Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Công Bình phát biểu nêu bật sự cần thiết ra đời nghị định về Cơ chế một cửa quốc gia. Ảnh: HẢI ANH
Thúc đẩy XNK - ưu tiên hàng đầu của Chính phủ
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã khẳng định tầm quan trọng của việc khẩn trương xây dựng và hoàn thiện nghị định về NSW. Điều này phù hợp với cam kết quốc tế, đồng thời giúp các bộ, ngành, cơ quan nhà nước hiện thực các mục tiêu được nêu trong Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Ông Nguyễn Công Bình cho biết, NSW chính thức triển khai từ tháng 11/2014, đến nay đã kết nối với 11/14 bộ, ngành và đã có 47 thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai trên Cổng thông tin NSW... Tuy nhiên, số TTHC được triển khai trên NSW chưa nhiều (47/245 tổng số TTHC). Quá trình triển khai đã bộc lộ những tồn tại, bất cập do quy định trong văn bản pháp luật được xây dựng theo phương thức thủ công truyền thống, thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các TTHC liên quan đến nhau dẫn đến còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ không cần thiết, chồng chéo trong quy định về TTHC của các bộ, ngành...
“Để có cơ sở pháp lý cho việc vận hành các TTHC trên NSW, mặc dù Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các văn bản, tuy nhiên các văn bản này mới chỉ điều chỉnh đối với một số TTHC cụ thể và không đảm bảo tính bao quát chung để phục vụ cho việc triển khai mở rộng TTHC điện tử...”, ông Bình chia sẻ.
Do đó tại Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 6/9/2017, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng nghị định về NSW. Cùng với đó, ngày 15/5/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về các giải pháp để thực hiện cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN), đơn giản hóa, cắt giảm TTHC về KTCN. Theo đó, Chính phủ đưa ra các chỉ tiêu, yêu cầu thực hiện cắt giảm tỷ lệ hàng hóa phải KTCN xuống dưới 10%, rà soát loại bỏ 50% số mặt hàng thuộc danh mục phải KTCN. Điều này khẳng định thúc đẩy XNK là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
Nhiều vướng mắc của DN được tháo gỡ
Tại hội nghị, dự thảo nghị định về NSW do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đã được đại diện tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN) ghi nhận và đánh giá cao.
Theo ông Michael Trueblood, Giám đốc Phòng Phát triển kinh tế và quản trị nhà nước, USAID Việt Nam, việc xây dựng một nghị định mới về NSW và KTCN đối với hàng hóa XNK là quan trọng và kịp thời trong bối cảnh Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO mà Việt Nam là thành viên đã có hiệu lực từ tháng 2/2017. Bên cạnh đó, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, dự thảo nghị định về NSW sẽ giúp Việt Nam tiếp tục tạo thuận lợi thương mại hơn nữa cho các DN thông qua việc đơn giản thủ tục hải quan và thủ tục XNK.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC) cho hay, cộng đồng DN đánh giá cao nhiều điều khoản nêu tại dự thảo nghị định đã giải quyết được nhiều vướng mắc cho DN như về trị giá hải quan, nhiều mặt hàng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Đa số ý kiến đánh giá cao cách tiếp cận của nghị định được triển khai theo hướng tạo thuận lợi thương mại, phát huy các giá trị từ NSW, thúc đẩy giá trị thương mại điện tử nhiều năm qua còn vướng mắc. Đặc biệt, có những vấn đề DN kiến nghị nhiều năm nay đã được giải quyết trong dự thảo nghị định. Đơn cử như trị giá hải quan đối với các mặt hàng phi thương mại, hay đối với các mặt hàng cá nhân thực hiện qua hoạt động XNK, trước đây chỉ cho phép 5 triệu đồng đối với hàng phi thương mại, nay cho phép tổng giá trị lên tới 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, đại diện các DN cũng đưa ra nhiều ý kiến, đề nghị ban soạn thảo quan tâm đưa vào nội dung nghị định nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK của DN. Đại diện DN cho rằng, cơ quan hải quan cần có quy định thống nhất về thực hiện chữ ký số, do hiện nay có nhiều nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số nên chưa có sự tương thích. Vấn đề được nhiều DN quan tâm nữa đó là những khó khăn trong việc áp mã hàng hóa (HS). Do danh mục hàng hóa và mô tả hàng hóa, HS của các bộ, ngành (cơ quan quản lý) không cụ thể, chưa đồng nhất nên trong nhiều trường hợp DN bị xử phạt hành chính do khai sai HS. Nhiều khi cùng một loại mặt hàng chỉ thay đổi về màu sắc cũng bị cho là khai sai HS, dẫn đến thời gian làm thủ tục XNK của DN kéo dài, tăng chi phí...
Tại hội nghị, ông Nguyễn Công Bình đã tiếp thu ý kiến từ phía cộng đồng DN và cho biết, cơ quan hải quan sẽ nhanh chóng tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nghị định theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ, theo hướng đơn giản TTHC, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế. |
Hải Linh - Nam Khánh