Chú thích ảnh
Trước đây, việc phát triển SIM chủ yếu qua các kênh đại lý.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long cho biết, hàng tháng có khoảng 1,5 triệu SIM phát hành ra thị trường. Trong số SIM được bán ra thị trường, có tới 80% SIM phát hành qua kênh đại lý ủy quyền của nhà mạng; 10% SIM được bán trực tiếp từ nhà mạng (các cửa hàng giao dịch của nhà mạng…) và 10% qua kênh chuỗi (là các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn).

Trong số này, kênh đại lý là nguồn phát hành nhiều SIM không chính chủ nhất, tạo ra nhiều SIM rác để các đối tượng lợi dụng tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Do đó, từ ngày 10/9/2023, các nhà mạng dừng phát hành SIM qua các đại lý ủy quyền trên toàn quốc để giảm SIM không chính chủ.

Theo đại diện Cục Viễn thông, từ ngày 10/9/2023, các nhà mạng cam kết với Bộ TT&TT sẽ dừng phát triển SIM tại các đại lý ủy quyền, chỉ tập trung vào các kênh chuỗi. Theo báo cáo sơ bộ của các doanh nghiệp viễn thông, sau gần 1 tháng triển khai, số lượng phát triển SIM giảm khoảng 1/3 so với trung bình tháng 8/2023.

Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị giám sát việc triển khai cam kết của các doanh nghiệp từ đó báo cáo lãnh đạo bộ có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm.

Trên thực tế, tuy số lượng các đại lý chấp nhận bán SIM rác đã giảm, nhưng người dùng vẫn có thể tìm mua SIM kích hoạt sẵn trên thị trường. Tại Hà Nội, SIM kích hoạt sẵn của các nhà mạng lớn như Viettel, MobiFone, VNPT VinaPhone đã giảm hẳn, chỉ còn lác đác ở một vài địa điểm.

Theo các chủ đại lý, SIM kích hoạt sẵn của các nhà mạng lớn giờ đây khan hiếm nguồn hàng. Với các nhà mạng nhỏ, lượng SIM tồn ở các đại lý còn nhiều nên việc tìm mua tương đối dễ.

Đáng chú ý khi trên thị trường bắt đầu xuất hiện SIM rác của một số mạng ảo (MVNO), thậm chí cả những nhà mạng chỉ vừa mới chân ướt, chân ráo đặt chân lên thị trường, vốn chưa từng được ghi nhận ở những đợt khảo sát SIM rác trước đó./.