First Republic mất 100 tỷ USD tiền gửi, cho thấy hậu quả khủng khiếp từ cuộc khủng hoảng ngân hàng |
Khách hàng của Ngân hàng First Republic đã rút khoảng 100 tỷ USD tiền gửi trong vài ngày. Ảnh: Reuters |
JPMorgan cho biết họ sẽ đảm nhận tất cả 92 tỷ USD tiền gửi của First Republic Bank - được bảo hiểm và không có bảo hiểm. Đồng thời cũng đang mua hầu hết tài sản của ngân hàng này, bao gồm khoảng 173 tỷ USD cho vay và 30 tỷ USD chứng khoán.
100 tỷ USD tiền gửi "bốc hơi" và cuộc khủng hoảng niềm tin
Là một phần của thỏa thuận, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) sẽ chia sẻ tổn thất với JPMorgan về các khoản vay của First Republic. Cơ quan này ước tính, quỹ bảo hiểm của họ sẽ đạt 13 tỷ USD trong thỏa thuận. JPMorgan cũng cho biết họ sẽ nhận được 50 tỷ USD tài trợ từ FDIC.
First Republic có trụ sở tại San Francisco, ngân hàng lớn thứ hai sụp đổ trong lịch sử Mỹ, đã mất 100 tỷ USD tiền gửi trong tháng 3 sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB). Thời điểm đó, ngân hàng cũng đã gặp khó khăn trong nhiều tuần, khiến một nhóm các ngân hàng lớn nhất của Mỹ do JPMorgan đứng đầu phải tiến hành một cuộc giải cứu với khoản tiền hỗ trợ 30 tỷ USD. JPMorgan cho biết, những khoản tiền hỗ trợ đó sẽ được hoàn trả sau khi thỏa thuận kết thúc.
Sự sụp đổ ngày 10/3 vừa qua của Ngân hàng Thung lũng Silicon đã khiến cổ phiếu của First Republic giảm mạnh và những khách hàng giàu có hoảng sợ với số dư vượt quá giới hạn bảo hiểm 250.000 USD của FDIC. Cổ phiếu của First Republi đã mất hơn 90% giá trị kể từ đầu tháng 3. |
3 trong số 4 vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ đã xảy ra trong 2 tháng qua, trong đó First Republic với khoảng 233 tỷ USD tài sản vào cuối quý đầu tiên, chỉ đứng sau sự sụp đổ năm 2008 của Washington Mutual Inc. Nằm trong top 4, còn có 2 ngân hàng vừa sụp đổ là Ngân hàng Thung lũng Silicon và Signature - một ngân hàng có trụ sở tại New York cũng đã sụp đổ vào tháng 3 vừa qua.
Cả First Republic và Washington Mutual hiện đều thuộc sở hữu của JPMorgan, ngân hàng lớn nhất của Mỹ, đã can dự phần lớn vào các cuộc giải cứu khi khủng hoảng ngân hàng diễn ra. Trong đó, Giám đốc điều hành Jamie Dimon của JPMorgan đã đóng vai trò chủ chốt trong những nỗ lực trước đó để giải cứu First Republic. "Chính phủ đã mời chúng tôi và những ngân hàng khác đứng lên, và chúng tôi đã làm được" - ông Dimon nói trong một tuyên bố ngày 1/5/2023.
84 chi nhánh của First Republic sẽ mở cửa trở lại như một phần của JPMorgan vào ngày 1/5/2023 trong giờ làm việc bình thường và khách hàng sẽ có toàn quyền truy cập vào tiền gửi của họ, FDIC cho biết.
Sự thất bại của First Republic dường như không thể gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin khác đối với những ngân hàng trên Main Street (Phố Chính), vốn phục vụ một lượng lớn doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Những ngân hàng trong khu vực đều mất tiền gửi trong quý đầu tiên, nhưng mức giảm là khiêm tốn so với dòng tiền chảy ra lên tới 100 tỷ USD của First Republic.
"Đây là giai đoạn cuối cùng của sự hoảng loạn ban đầu đó. Các vấn đề của First Republic bắt nguồn từ hậu quả của SVB và Signature” - Steven Kelly, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Yale về ổn định tài chính (YPFS) cho biết. “Đây không phải là câu chuyện của năm 2008, khi một ngân hàng thất bại và các nhà đầu tư tập trung vào ngân hàng lớn nhất tiếp theo, khiến ngân hàng này chao đảo”.
Sự thất bại bắt nguồn từ việc đặt cược sai lầm vào lãi suất
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của First Republic là một cuộc “di cư” trên điện thoại thông minh của những người gửi tiền hoảng loạn với số dư lớn không được bảo hiểm, nhưng các vấn đề của ngân hàng bắt nguồn từ việc đặt cược sai lầm vào lãi suất.
84 chi nhánh của First Republic sẽ mở cửa trở lại như một phần của JPMorgan vào ngày 1/5/2023, trong giờ làm việc bình thường. Ảnh: WSJ |
Việc tập trung vào giới thượng lưu ven biển của Mỹ đã giúp First Republic trở thành một trong những thương hiệu ngân hàng có giá trị nhất của Mỹ. Các khoản tiền gửi lớn từ khách hàng với nhiều khoản thế chấp khổng lồ có lãi suất thấp được tài trợ bằng tiền mặt cho những người mua nhà giàu có. Lãi suất cực thấp và sự bùng nổ tiết kiệm do đại dịch đã thúc đẩy sự tăng trưởng của ngân hàng.
Trong báo cáo doanh thu quý I/2023 ảm đạm vào tuần trước, ngân hàng đã tiết lộ mức độ rút tiền gửi và cho biết họ đã lấp đầy lỗ hổng trên bảng cân đối kế toán của mình bằng các khoản vay đắt đỏ từ FED và Ngân hàng Cho vay Mua nhà Liên bang. Một tương lai không chắc chắn, khi ngân hàng kiếm được ít tiền hơn từ các khoản cho khách hàng vay so với số tiền phải trả từ các khoản ngân hàng vay nợ. |
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất vào năm ngoái để hạ nhiệt lạm phát, khách hàng bắt đầu yêu cầu lợi suất cao hơn để giữ tiền của họ ở First Republic. Lãi suất tăng cũng làm giảm giá trị của các khoản vay mà ngân hàng thực hiện khi lãi suất gần bằng 0.
Vấn đề cố hữu đã trở nên nghiêm trọng vào tháng 3 vừa qua, khi sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon làm dấy lên lo ngại về những rủi ro bị bỏ qua ẩn nấp trong hệ thống ngân hàng.
Các nhà đầu tư và khách hàng đặc biệt lo lắng về các ngân hàng, chẳng hạn như First Republic, vốn phụ thuộc nhiều vào tiền gửi không có bảo hiểm và có khoản lỗ lớn chưa thực hiện trong danh mục cho vay và chứng khoán của họ do lãi suất tăng. "Đó là một cuộc chạy đua" - ông Kelly nói.
Bảng cân đối kế toán bị tổn hại nghiêm trọng của First Republic khiến ngân hàng khó có được lựa chọn tốt.
Trong báo cáo doanh thu quý I/2023 ảm đạm vào tuần trước, ngân hàng đã tiết lộ mức độ rút tiền gửi và cho biết họ đã lấp đầy lỗ hổng trên bảng cân đối kế toán của mình bằng các khoản vay đắt đỏ từ FED và Ngân hàng Cho vay Mua nhà Liên bang. Một tương lai không chắc chắn, khi ngân hàng kiếm được ít tiền hơn từ các khoản cho khách hàng vay so với số tiền phải trả từ các khoản ngân hàng vay nợ.
Báo cáo doanh thu đã khiến cổ phiếu của ngân hàng giảm gần 50% chỉ trong một ngày. Cổ phiếu của First Republic kết thúc tuần ở mức 3,51 USD, giảm nạnh so với mức đóng cửa 115 USD vào ngày 8/3, một ngày trước khi SVB lao dốc thảm hại.
Một số nhân viên bắt đầu nhảy việc sau khi SVB sụp đổ. First Republic đã mất khoảng 10% nhân viên chủ chốt trong bộ phận quản lý tài sản mà họ đã chi rất nhiều để xây dựng, ngân hàng cho biết tại bản cập nhật thu nhập ngày 24/4 vừa qua.
Các nhân viên đã ở lại theo dõi cổ phiếu giảm giá của ngân hàng vào tuần trước và điên cuồng nhắn tin cho bạn bè về việc họ sợ ngân hàng sẽ sớm phá sản như thế nào. Một số người nói rằng, họ muốn ban lãnh đạo cung cấp thông tin rõ ràng hơn về hướng đi của ngân hàng.
Các nhân viên hiện tại và trước đây cho biết hoạt động kinh doanh đã trở nên trầm lắng hơn kể từ khi cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu. Các ông chủ của First Republic, những người trước đây tập trung vào việc thu hút tiền gửi nhận thấy, họ có rất ít cơ hội để đảo ngược tình thế khi khách hàng bắt đầu rút tiền mặt. Thanh toán cũng bị ảnh hưởng: Các lãnh đạo ngân hàng đã được đền bù một phần bằng lợi nhuận từ số tiền gửi của khách hàng.
Trong email được gửi đi vào cuối ngày 28/4 và sáng 29/4, Giám đốc điều hành Michael Roffler và Chủ tịch điều hành Jim Herbert đã cảm ơn các nhân viên của First Republic vì đã tập trung làm việc trong thời điểm ngân hàng khó khăn.
"Trong suốt lịch sử của chúng tôi và trong những tuần qua, chúng tôi đã làm những gì chúng tôi luôn làm - phục vụ khách hàng, hỗ trợ cộng đồng và chăm sóc lẫn nhau" - ông Roffler viết. “Khi chúng tôi trở lại vào tuần tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”./.