100 ngày “đi trên dây” và cái kết hoàn hảo

Việc FPT – một đơn vị tư nhân trong nước phối hợp xây dựng hệ thống giao dịch cho HOSE là chuyện chưa từng có tiền lệ cho bài toán “nghẽn hệ thống giao dịch”. Sở dĩ dự án này có thể vượt rào cản cơ chế là bởi Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị để doanh nghiệp tư nhân nhập cuộc, lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo rất sát sao, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE và các đơn vị liên quan rất nỗ lực tìm giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả nhất. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng coi nghẽn lệnh là sự cố khẩn cấp quốc gia, nên cần tập trung mọi nguồn lực và nỗ lực để xử lý.

FPT và sở trường “đi trên dây”

FPT đã phối hợp xử lý sự cố nghẽn lệnh sàn HOSE trong vòng 100 ngày.

Sau khi chủ trương được chấp thuận, FPT nhận về tay “đề bài” được đánh giá là… “cuộc đại phẫu”, rất phức tạp về tính chất và yêu cầu rất cao. FPT có 100 ngày để giải quyết đồng thời 3 vấn đề cốt yếu đảm bảo trải nghiệm thoải mái nhất cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Một là nâng ngưỡng chịu tải của hệ thống từ 900.000 lệnh lên 3 đến 5 triệu lệnh/ngày và có thể cao hơn. Hai là phải kết nối, liên kết được với tất cả các hệ thống hiện có của cơ quan quản lý và đơn vị liên quan. Ba là không được “chọc” vào hệ thống hiện có của các công ty chứng khoán (CTCK). Đặc biệt, mọi xử lý phải thực hiện chính xác gần như tuyệt đối và không được phép để hệ thống ngừng hoạt động.

50 chuyên gia tinh nhuệ, có nhiều năm kinh nghiệm về nghiệp vụ tài chính chứng khoán, các kỹ sư hàng đầu về công nghệ phần mềm, hạ tầng… của FPT từ mọi đơn vị được quy tụ khẩn trương nhất có thể. Đầu tháng 5, những nhân sự cốt lõi đầu tiên vào TP. Hồ Chí Minh, đồng hành cùng 30 chuyên gia của HOSE để khảo sát, đánh giá trước khi bắt tay vào công việc với lịch trình cụ thể tới từng giờ.

Xác định được cách giải cho bài toán công nghệ khó 1, thì việc đảm bảo hệ thống chạy trơn tru khó 10. Với một hệ thống mới như vậy, rủi ro lớn nhất là chạy thử và kiểm soát lỗi. Trong khi vấn đề xử lý lỗi phát sinh trong quá trình thử nghiệm phụ thuộc vào sự phối hợp của các bên. Đây cũng là trăn trở của ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) – đơn vị triển khai dự án. Tính ổn định của hệ thống mới phụ thuộc vào kết quả kết nối với nhiều thành phần khác không cùng hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc, FPT không chỉ làm việc cùng HOSE, mà còn phối hợp với các công ty chứng khoán, các đơn vị thụ hưởng, Trung tâm lưu ký… Trong khi đó, với hệ thống giao dịch chứng khoán, mọi việc phải chính xác 100% và sai sót là không thể chấp nhận.

Đúng kế hoạch 100 ngày, ngày 5/7/2021, khi hệ thống golive mượt mà và duy trì sự ổn định cho đến hiện nay, bất chấp thanh khoản thị trường tiếp tục lập thêm các đỉnh cao mới.

“Gương mặt thân quen” với ngành Chứng khoán

Phải nói rằng, ít có dự án nào thu hút sự chú ý của dư luận như câu chuyện xử lý nghẽn lệnh sàn HOSE. Đội ngũ triển khai dự án, bao gồm cả nhóm chuyên gia FPT và HOSE không chỉ chạy đua với thời gian, mà còn đối diện sức ép lớn khi hàng triệu ánh mắt theo dõi sát sao.

Tuy nhiên, cũng giống như người đi trên dây, trong tình thế ngặt nghèo, sự tự tin đến từ quá trình rèn luyện và những trải nghiệm quá khứ. Với FPT, những bài toán khó như xử lý sự cố sàn HOSE không phải chuyện lần đầu.

Trước khi bắt tay vào dự án, nhiều ý kiến hoài nghi về việc lựa chọn FPT, bởi doanh nghiệp này dường như chưa nhiều kinh nghiệm với các sản phẩm công nghệ dành cho thị trường đặc thù như thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, soi vào “hồ sơ năng lực” của đơn vị, dễ nhận ra đây là nhân vật “có số có má” với lĩnh vực tài chính.

Theo đó, FPT đã có 20 năm kinh nghiệm trong việc phát triển và triển khai ứng dụng trong ngành Chứng khoán Việt Nam. Từ những năm 2000, FPT phát triển hệ thống lưu ký, thanh toán bù trừ kết nối với hệ thống giao dịch do Sở Giao dịch chứng Thái Lan cung cấp để chuẩn bị cho việc đưa HOSE vào hoạt động. Tiếp đó, xây dựng hệ thống giao dịch chứng khoán tại HNX (năm 2004), hệ thống giao dịch UPCoM (năm 2009), hệ thống trái phiếu chính phủ (năm 2012). Đây cũng là đơn vị xây dựng hệ thống đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD - năm 2008), sau đó nâng cấp hệ thống này vào năm 2010.

Với việc am hiểu quy trình hoạt động của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, từ ngân hàng, đến bệnh viện…, FPT cũng triển khai thành công hầu hết hệ thống công nghệ thông tin cho các lĩnh vực xương sống của quốc gia. Trong đó, điểm nhấn phải kể tới xây dựng 2 hệ thống chuyển mạch tài chính và thanh toán bù trừ tự động cho Napas từ cách đây 15 năm, vào năm 2006.

Napas không phải cái tên “thông dụng” với công chúng như tên tuổi các ngân hàng lớn vẫn thường xuất hiện. Tuy nhiên, đây lại chính là đơn vị đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông hơn 19.200 máy ATM, hơn 300.000 máy POS phục vụ gần 90 triệu chủ thẻ; cung cấp hạ tầng kết nối thanh toán cho hơn 40 đơn vị trung gian thanh toán; với sự tham gia của 54 tổ chức thành viên là ngân hàng trong nước/quốc tế và tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.

Năm 2016, kinh nghiệm từ dự án này cũng đã được FPT “xuất khẩu” sang Myanamar. Dự án tạo ra bước ngoặt lớn cho hơn 55 triệu người dân nước này khi họ có thể dễ dàng chuyển tiền giữa các ngân hàng qua ATM một cách nhanh chóng và thuận lợi.

Tự tin xử lý sự cố

“Nghẽn lệnh sàn HOSE” là từ khoá “nóng” kể từ cuối năm 2020 trên nhiều diễn đàn chứng khoán, tài chính. Trong bối cảnh đó, FPT tự tin cho biết, có thể xử lý sự cố nghẽn lệnh trong 3 tháng. Động thái này ngay lập tức khiến FPT tự đặt mình vào vị thế của “người đi trên dây”, vừa phải giữ cân bằng trước các áp lực, vừa phải lo giải quyết bài toán khó và không thể “hẫng” dù chỉ một nhịp. Đến ngày 5/7/2021, hệ thống trên HOSE do FPT phối hợp triển khai đã đi vào vận hành ổn định, mượt mà. Dù khó khăn, thách thức là vô vàn, nhưng nhiều người không tránh khỏi bất ngờ và ngầm thừa nhận “hoá ra, FPT giỏi “đi trên dây” hơn người ta vẫn nghĩ”.