Giá dầu đã đạt 100 USD tại một số thị trường, đe doạ cuộc chiến chống lạm phát
Giá dầu tiếp tục tạo ra những đỉnh cao mới trong năm nay với tốc độ ổn định hướng tới mốc 100 USD/thùng. Ảnh: Reuters
Vì sao giá dầu quay trở lại mốc 90 USD/thùng, có thể lên 100 USD trước năm 2024?

Nguồn cung thắt chặt đẩy giá dầu tăng

Theo dữ liệu của LSEG, giá dầu thô Qua Iboe của Nigeria đã vượt qua 100 USD/thùng vào ngày 18/9. Bjarne Schieldrop - nhà phân tích tại ngân hàng Thụy Điển SEB, cho biết trong một báo cáo, dầu thô Tapis của Malaysia đạt 101,30 USD vào tuần trước.

Dầu đã tăng lên mức cao nhất năm 2023 khi nhà đầu tư đang tập trung vào khả năng thiếu hụt nguồn cung trong quý IV sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung. Cả hai đều là những nhà sản xuất lớn nhất trong nhóm OPEC+, hầu hết các thành viên khác cũng đang hạn chế sản lượng. Schieldrop nói: “Tình hình chung là Saudi Arabia và Nga đang kiểm soát chặt chẽ thị trường dầu mỏ”.

Giá dầu tiếp tục tăng vào đầu phiên giao dịch ngày thứ ba (19/9) trong phiên thứ tư liên tiếp, do sản lượng đá phiến yếu ở Mỹ làm tăng thêm lo ngại về thâm hụt nguồn cung.

Giá dầu thô tương lai WTI của Mỹ tăng 90 cent, tương đương 1%, lên 92,38 USD, vào lúc 00:18 GMT, gần mức cao nhất trong 10 tháng đạt được vào ngày 18/9, trong khi giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu tương lai tăng 27 cent, hay 0,3%, lên 94,70 USD/thùng.

Hợp đồng tương lai dầu Brent, một chuẩn mực toàn cầu, được giao dịch ở mức cao tới 94,89 USD vào ngày 18/9 và chuẩn mực liên quan được sử dụng để giao dịch phần lớn hàng hóa thực tế trên thế giới, được gọi là Brent, chỉ ở mức trên 96 USD, theo LSEG.

Qua Iboe và một số loại dầu thô khác có giá so với Brent, đã ở mức trên 100 USD vì chúng dựa trên giá Brent ghi ngày cộng với chênh lệch tiền mặt hoặc phí bảo hiểm, hiện được LSEG đánh giá ở mức khoảng 4,25 USD một thùng.

Schieldrop cho biết, date Brent rất có khả năng vượt lên trên 100 USD vì chỉ cần có yếu tố tác động để đưa giá đi lên. Ngân hàng Thụy Sỹ UBS dự báo giá dầu Brent tương lai đạt ba con số.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Chúng tôi dự đoán giá dầu Brent sẽ giao dịch trong phạm vi 90 - 100 USD trong những tháng tới, với mục tiêu cuối năm là 95 USD”.

Sức mạnh đang được dẫn dắt bởi thị trường vật chất

Giá dầu tiếp tục tạo ra những đỉnh cao mới trong năm nay với tốc độ ổn định hướng tới mốc 100 USD/thùng. Giá dầu chuẩn Brent đã tăng hơn 30% kể từ mức thấp nhất vào tháng 3. Việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga đã liên tục thắt chặt nguồn cung vào thời điểm mức tiêu thụ tăng lên kỷ lục. Điều đó đang tiêu tốn các kho dự trữ và buộc các nhà tinh chế phải tích trữ các thùng dầu để tạo ra đủ loại nhiên liệu phù hợp.

Trên khắp thế giới, phí bảo hiểm cho thùng vật chất đang tăng lên. Nguồn cung từ Trung Đông, Azerbaijan và thậm chí cả Nga đang tăng cao khi các nhà máy lọc dầu nỗ lực sản xuất đủ dầu diesel trước nhu cầu tăng theo mùa.

Các nhà phân tích lạc quan lập luận ngay cả khi dầu thô hiện đang ở mức giữa những năm 90, nhiều quỹ vẫn chưa đầu tư vào dầu, tạo ra khả năng giá cao hơn vẫn chưa xuất hiện. Amrita - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty tư vấn Energy Aspects, cho biết: “Các yếu tố cơ bản hiện rất rất mạnh. Tại thời điểm này, đó chỉ là vấn đề ngắn hạn. Tôi không nói rằng nó sẽ đạt mức trung bình trên 100 USD, nhưng liệu nó có thể tăng trên 100 USD một chút không? Hoàn toàn có thể".

Giá dầu đã đạt 100 USD tại một số thị trường, đe doạ cuộc chiến chống lạm phát
Dầu đã tăng lên mức cao nhất năm 2023 khi nhà đầu tư đang tập trung vào khả năng thiếu hụt nguồn cung trong quý IV sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm. Ảnh: Maureen McLean/Shutterstock

Sức mạnh đang được dẫn dắt bởi thị trường vật chất. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là dầu thô Azeri Light hàng đầu của Azerbaijan, được giao dịch ở mức gần 100 USD/thùng cuối tuần trước do lợi nhuận cao từ việc chuyển dầu thô thành dầu diesel, có nghĩa là các nhà chế biến đang phải trả phí bảo hiểm bội thu cho các loại sản xuất nhiều nhiên liệu.

Sức mạnh cũng thể hiện qua hình dạng của đường cong giá dầu tương lai. Vào ngày 18/9, hợp đồng tương lai Brent gần nhất ở mức cao hơn 1 USD/thùng so với tháng tiếp theo. Cấu trúc này, được gọi là bù hoãn bán và cho thấy nguồn cung khan hiếm, là cấu trúc lớn nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, không bao gồm ngày hết hạn.

Trong bối cảnh đó, ngay cả một số nhà phân tích bi quan nhất trên thị trường cũng bắt đầu thừa nhận mức 100 USD có vẻ có khả năng xảy ra hơn, đặc biệt là trước những rủi ro chính trị ở các nhà sản xuất như Libya và Nigeria.

Hiện tại, doanh thu ở các quốc gia sản xuất đang tăng mạnh. Vào cuối tuần trước, dầu Murban từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được giao dịch ở mức mạnh nhất kể từ tháng 2 và tăng thêm vào ngày 19/8. Những mức tăng đột biến đó đang chuyển trọng tâm sang nhu cầu và tác động đến các quốc gia tiêu thụ. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho biết, dầu thô trên 90 USD/thùng gây ra rủi ro mới cho sự ổn định tài chính toàn cầu.

Địa chính trị, cùng với giao dịch kỹ thuật, “có thể đẩy giá dầu lên trên 100 USD trong một thời gian ngắn”, các nhà phân tích của Citigroup Inc. cho biết ngày 19/8. “Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục nhận thấy sự nới lỏng dần dần sắp diễn ra”.

Citi lập luận một phần của sự suy giảm đó sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng nguồn cung từ bên ngoài liên minh OPEC+, đến từ các quốc gia bao gồm Mỹ, Guyana và Brazil, đều có thể bổ sung thêm một lượng dầu vào thị trường trong những tháng tới và làm chệch hướng tình trạng thắt chặt hiện tại.

Trong khi giá dầu Brent vẫn chưa đạt mức ba con số trong năm nay thì các loại nhiên liệu đã qua lọc như xăng và dầu diesel đã được giao dịch trên mức đó trong nhiều tháng.

Bjarne Schieldrop - Trưởng nhóm phân tích hàng hóa tại SEB AB cho biết: “Chúng tôi có thể thấy dated Brent di chuyển trên 100 USD/thùng, nhưng nhu cầu về sản phẩm dầu có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nếu dầu thô Brent tăng lên 110 - 120 USD/thùng và mức giá như vậy có vẻ quá giới hạn”.

Lo ngại lạm phát toàn cầu khi giá dầu tăng lên 100 USD/thùng

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã cảnh báo vào tuần trước, việc cắt giảm nguồn cung liên tục của hai nhà lãnh đạo OPEC +, Saudi Arabia và Nga, sẽ tạo ra “sự thiếu hụt nguồn cung đáng kể”, gây ra mối đe dọa đối với biến động giá đang diễn ra.

Báo cáo được công bố chỉ một ngày sau khi OPEC thông báo thị trường đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt hơn 3 triệu thùng/ngày trong quý tới, có khả năng dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung đáng kể nhất trong hơn một thập kỷ.

Saudi Arabia và các đối tác của họ trong OPEC cũng lo ngại rằng IEA đã dự đoán nhu cầu về dầu sẽ đạt đỉnh trước năm 2030, điều mà một số nhà phân tích tin rằng có thể đạt đến vào năm 2026 do sự chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng tái tạo đang được tiến hành.

Chi phí nhiên liệu và nhu cầu ngày càng tăng từ nền kinh tế Trung Quốc, quốc gia được coi là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, dự kiến ​​sẽ làm lu mờ triển vọng của các ngân hàng trung ương và sứ mệnh của họ nhằm giảm tỷ lệ lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%.

Giá dầu giảm đóng vai trò lớn trong việc giảm lạm phát trong nửa đầu năm nay, nhưng sự gia tăng hiện nay được cho là sẽ đóng vai trò như một lực cản trong nửa cuối năm và sang năm 2024.

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã thực hiện đợt tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp vào tuần trước và ngụ ý rằng nhiều khả năng sẽ dừng lại ở đó. Lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được cho là sẽ đạt mức cao nhất sau khi lạm phát cơ bản giảm vào tháng trước, loại bỏ các yếu tố dễ bay hơi như nhiên liệu và thực phẩm. Tuy nhiên, FED đã báo hiệu rằng cánh cửa vẫn mở cho khả năng tăng lãi suất lần cuối vào tháng 11 tới.

“Cá cược vào dầu đang trở thành một giao dịch được yêu thích ở Phố Wall” - Edward Moya, nhà phân tích của OANDA, cho biết không ai nghi ngờ quyết định của OPEC+ về sản lượng dầu vào cuối tháng trước sẽ khiến thị trường dầu rất thắt chặt trong quý IV.