Gia hạn, giảm thuế tạo đà cho doanh nghiệp phát triển
Giảm thuế giá trị gia tăng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng, qua đó sẽ tăng thu ngân sách. Ảnh: LÊ TOÀN

PV: Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% và 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Bà đánh giá thế nào về các chính sách này?

Gia hạn, giảm thuế tạo đà cho doanh nghiệp phát triển

TS. Phạm Nữ Mai Anh: Trong bối cảnh phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và tác động của những biến động kinh tế toàn cầu, Quốc hội và Chính phủ thời gian qua đã sử dụng kết hợp nhiều biện pháp khác nhau để phục hồi và đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong đó, chính sách thuế là một trong những chính sách tài chính quan trọng đã được sử dụng để tác động đến nhiều lĩnh vực, nhiều chủ thể trong nền kinh tế.

Tôi cho rằng, với việc áp dụng chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế ở một số sắc thuế thời gian qua đã có tác động rất tích cực đến hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như các hoạt động trong tổng thể nền kinh tế nói chung trên nhiều khía cạnh khác nhau. Trong giai đoạn từ năm 2022 đến những tháng đầu năm 2025, việc thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đã và đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất kinh doanh, giảm giá bán hàng hóa và dịch vụ cung ứng, góp phần gia tăng lợi nhuận trên cơ sở tăng cầu người tiêu dùng.

Thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh

Theo TS. Phạm Nữ Mai Anh, mới đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm 30% tiền thuê đất năm 2024. Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2025 với tổng số thuế được gia hạn gần 102 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức từ các yếu tố bên trong và ngoài nước thì việc áp dụng các chính sách này giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để xoay vòng vốn, sử dụng nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh được tối ưu hơn.

Kết quả ước tính trong 2 tháng đầu năm 2025, số thuế GTGT được giảm khoảng 8,3 nghìn tỷ đồng. Nhưng số liệu của Cục Thống kê cho thấy, tính chung 2 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.137,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,2% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,3%). Như vậy, có thế thấy, việc áp dụng chính sách này đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đặc biệt không ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Bên cạnh giảm thuế GTGT, việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được áp dụng từ 1/4/2022 đến hết năm 2025 cũng là một giải pháp thiết thực bởi việc giảm thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ tác động đến giá bán lẻ xăng, dầu trong nước, từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực giao thông, vận tải, logistics… Việc giảm giá xăng dầu cũng góp phần kiểm soát vấn đề lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô.

PV: Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng 2%, thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026, dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 121 nghìn tỷ đồng. Bà nhìn nhận thế nào về sự chủ động của Bộ Tài chính trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế?

TS. Phạm Nữ Mai Anh: Tôi cho rằng, việc Bộ Tài chính chủ động đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa và dịch vụ trong 6 tháng cuối năm 2025 và năm 2026 đã thể hiện sự linh hoạt và kịp thời trong điều hành chính sách tài khóa. Quy định giảm thuế GTGT này dự kiến làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng tác động tích cực của chính sách này đã thấy rõ kết quả theo hướng kích thích sản xuất, kích thích tiêu dùng, từ đó góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước qua thời gian áp dụng đến nay.

Do vậy, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT là thực sự cần thiết. Việc đề xuất sớm và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân giúp chính sách nhận được sự đồng thuận cao từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Đối với vấn đề giảm thuế GTGT khi có định hướng thực hiện sớm sẽ giúp Chính phủ có kế hoạch cân đối ngân sách kết hợp kiểm soát chi tiêu hợp lý.

Bên cạnh đó, sự chủ động này của Bộ Tài chính không chỉ thể hiện được sự phản ứng nhanh trong công tác quản lý trước tình hình kinh tế quốc tế biến động có thể tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước mà còn cho thấy tầm nhìn dài hạn của Bộ Tài chính hướng đến hỗ trợ hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân trong giai đoạn cuối năm 2025 và năm 2026 - giai đoạn quan trọng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

PV: Để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 8% trở lên, theo bà, bên cạnh chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, cần chú trọng những giải pháp nào?

TS. Phạm Nữ Mai Anh: Theo tôi, để đạt mục tiêu này, bên cạnh áp dụng chính sách gia hạn, miễn giảm thuế và tiền thuê đất cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và thực hiện phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Cụ thể, cần thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn liền với chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật theo hướng ổn định, minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm thực hiện đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện đầu tư vốn vào các lĩnh vực được nhà nước khuyến khích.

Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh đầu tư công theo hướng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt với các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị.

Cùng với đó, Nhà nước thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và thúc đẩy tín dụng hiệu quả. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần quy định chính sách tín dụng linh hoạt hơn, hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường nhằm hội nhập sâu rộng hơn vào thương mại quốc tế, tạo nguồn thu ngoại tệ cho nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp nên tận dụng tối ưu các FTAs đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu với những lĩnh vực có lợi thế.

Cuối cùng, Nhà nước thực hiện phát triển nền kinh tế theo hướng nhanh và bền vững trên cơ sở thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn. Trong đó, cần thiết xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, khuyến khích doanh nghiệp tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn, đồng thời nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với lợi thế và đặc trưng của các ngành, lĩnh vực và từng địa phương.

PV: Xin cảm ơn bà!