Gia Lai: Chuyển đổi số đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững

Sản xuất cà phê xuất khẩu tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp,TP. Pleiku, Gia Lai. Ảnh: CTV

Chính quyền cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 31/12/2021, tỉnh Gia Lai có 7.773 doanh nghiệp (DN), với tổng vốn đăng ký 120.430 tỷ đồng. Riêng năm 2021 có 900 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn 9.150 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến tổng cầu giảm mạnh, các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều giảm; chi phí đầu vào, vận chuyển tăng cao dẫn đến việc DN gặp khó khăn về chi phí để duy trì hoạt động sản xuất. Qua khảo sát sơ bộ, năm 2021, khoảng 20% DN hoạt động ổn định và 80% hoạt động cầm chừng; khoảng 10% DN có doanh thu bằng năm trước và 90% có doanh thu giảm 30 - 50%.

Ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chia sẻ, Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản. Trong đó, Gia Lai có đã 6 nhóm gồm: gỗ, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su, rau quả. Nếu không tận dụng được cơ hội, nguy cơ “tụt hậu” về xuất khẩu, mất nguyên liệu bản địa, dẫn đến cạnh tranh không công bằng cho DN trong tỉnh rất lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Gia Lai hiện đang chiếm 47% trong tổng số nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, sự phát triển lớn mạnh, bền vững của cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Thời gian qua tỉnh Gia Lai đã và đang tiếp tục đồng hành với DN để phục hồi phát triển kinh tế. Tỉnh đã thành lập một tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời triển khai một số nội dung, chương trình để khôi phục sản xuất kinh doanh trong năm 2022...” - Chủ tịch ông Võ Ngọc Thành chia sẻ.

Cũng theo ông Võ Ngọc Thành, thời gian tới để sớm khôi phục, phát triển nhanh và bền vững về phía cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để phục hồi và tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, khắc phục những tồn tại, khó khăn bảo đảm nguyên tắc “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ” giữa nhà nước và doanh nghiệp.

Tiên phong trong chuyển đổi số

Năm 2022 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong cả nước nói chung, tỉnh Gia lai nói riêng. Ông Nguyễn Hữu Quế cho biết, tỉnh đang tập trung các giải pháp để hỗ trợ trên 7 lĩnh vực chính: công nghệ; thông tin; phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi từ hộ kinh doanh; khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ lãi suất cho khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai cho biết, một trong những giải pháp quan trọng để DN phát triển nhanh và mạnh hơn là thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây là nội dung mới nên DN cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, vai trò tư vấn của các DN công nghệ và chuyên gia về chuyển đổi số, nhất là giai đoạn khởi đầu.

Tại Gia Lai, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh hướng dẫn, tuyên truyền về chương trình này để các DN tiếp cận, tham gia.

Liên quan đến chuyển đổi số, chiều 30/12/2021, Hiệp hội DN tỉnh và Viettel Gia Lai đã ký kết hợp tác triển khai chương trình chuyển đổi số trên nền tảng vESS cho DN giai đoạn 2022-2026. Nền tảng vESS bao gồm 3 bộ giải pháp: quản trị điều hành, quản trị nhân sự và kế toán-tài chính. Với hơn 30 công cụ, tiện ích cơ bản và nâng cao phục vụ nhu cầu của mọi loại hình DN bao gồm 77% hoạt động được số hóa; tiết kiệm 11% chi phí hoạt động chung; rút ngắn 36% thời gian ra quyết định; liên kết các nghiệp vụ cốt yếu, đồng thời mở rộng liên kết với các dịch vụ và giải pháp số khác.

Ông Nguyễn Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN tỉnh Gia Lai, cho rằng; chuyển đổi số chính là xu thế và là “giải pháp của mọi giải pháp” để giúp DN điều hành hoạt động, chủ động, linh hoạt trong suốt chuỗi sản xuất tiêu thụ. Thời gian qua, một trong những hoạt động thường xuyên của hiệp hội chính là dẫn dắt, tác động các DN ứng dụng, khai thác tiện ích của công nghệ thông tin để tiết giảm chi phí kinh doanh và phục vụ quản trị.

Ông Nguyễn Hữu Quế cho biết, năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục được tỉnh giao chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; tiếp tục tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, mục tiêu chuyển đổi số, ứng ụng nền tảng công nghệ thông tin được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. /.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề nghị các hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy hơn nữa tính chủ động, tự chủ, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để biến thách thức thành cơ hội, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.