Giảm giá lần thứ 10 liên tiếp

Trước áp lực sức tiêu thụ thép trên thị trường sụt giảm, ngày 22/7, nhiều doanh nghiệp thông báo hạ giá sản phẩm với mức giảm lên đến 360.000 đồng/tấn, so với lần giảm giá thứ 9 vào ngày 17/7. Như vậy, chỉ tính từ ngày 11/5/2022 đến nay, giá thép trên thị trường giảm 10 lần liên tiếp.

Tại khu vực miền Bắc, các thương hiệu lớn đều giảm mạnh.

Cụ thể, Hòa Phát điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn và 110.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 15,69 triệu đồng/tấn và 16,39 triệu đồng/tấn.

Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 360.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn xuống còn 15,55 triệu đồng/tấn và 16,16 triệu đồng/tấn.

Về thép Việt Đức, hai loại thép trên giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn còn 15,55 triệu đồng/tấn và 16,16 triệu đồng/tấn.

Giá thép liên tục
Giá thép bao giờ hết "lao dốc". Ảnh: TL

Tại miền Trung, giá thép cuộn CB240 giảm 100.000 đồng/tấn xuống còn 15,8 triệu đồng/tấn, còn giá thép D10 CB300 đi ngang ở mức 16,5 triệu đồng/tấn.

Các thương hiệu thép miền Nam cũng giảm 300.000 đồng/tấn và 210.000 đồng/tấn với thép CB240 và D10 CB300, xuống còn lần lượt 15,9 triệu đồng/tấn và 16,5 triệu đồng/tấn.

Động thái giá thép giảm liên tiếp 10 sau khi tăng nóng trong cả năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022 hiện nay, được cho rằng bất thường khi giá nhiều mặt hàng xây dựng tăng mạnh do chi phí đẩy của giá xăng dầu.

Theo giới kinh doanh thống kê cho thấy, giá xi măng đã tăng có 3 lần kể từ đầu năm 2022 sau khi giá than đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung thắt chặt. Giá cát bê tông cũng tăng lên hơn 20% so với hồi đầu tháng 6/2021.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay 6 tháng đầu năm thị trường thép trong nước đã chứng kiến biến động mạnh về giá, 3 tháng đầu năm, giá thép đã có7 đợt tăng nóng và chạm mốc 19-19,5 triệu đồng/tấn, thậm chí lên ngưỡng 20-21 triệu đồng/tấn. Nhưng kể từ đầu tháng 5/2022 đến nay giá thép lao dốc 10 lần liên tiếp, xuống còn khoảng 15,7 - 16,4 triệu đồng/tấn tùy loại và thương hiệu.

Lý giải việc giảm giá thép, VSA cho rằng, do nhu cầu đầu tư xây dựng của thị trường trong nước giảm và đặc biệt là do.giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép đi xuống cũng là một yếu tố khiến giá mặt hàng thép liên tục điều chỉnh giảm trong hai tháng qua.

Tại thị trường Trung Quốc, giá quặng sắt có xu hướng đi xuống do lo ngại thị trường có sự suy yếu đối với nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu sản xuất thép. Hiện giá thép thanh vằn giao dịch ngày 24/7 hạ 0,8% xuống còn 3.808 nhân dân tệ/tấn (562 USD/tấn).

Doanh nghiệp xây dựng thì mừng, doanh nghiệp thép báo lỗ

Giá thép giảm liên tục được người dân và doanh nghiệp xây dựng, đầu tư bất động sản đón nhận tích cực. Giá thép xây dựng giảm hạ bớt gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp xây dựng khi thép thường chiếm khoảng 20-30% chi phí mỗi công trình.

Suốt thời gian dài, biên lợi nhuận của ngành này chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao kèm theo đó là thị trường bất động sản trầm lắng và đầu tư công chưa đạt kỳ vọng.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn, giám đốc một công ty thiết kế thi công xây dựng ở quận Hai Bà Trưng cho biết, vào thời điểm tháng 10/2020, giá thép là 12 triệu đồng/tấn, đến tháng 3/2021, giá thép là 16 - 17 triệu đồng/tấn và lập đỉnh vào khoảng cuối tháng 5/2022 với mức 19,5 triệu đồng/tấn. Mức giá này khiến người tiêu dùng, đặc biệt là các nhà thầu xây dựng gặp nhiều khó khăn vì công trình “đội vốn” cao.

Sau thời gian dài tăng giá “phi mã” thì vừa qua, giá thép trong nước đã giảm mạnh, giúp cho các dự án thi công được nhận thầu từ đầu năm đến nay có phần dễ thở đối với công trình nhận thầu có trị giá lớn.

Giá thép liên tục
Một số doanh nghiệp sản xuất thép báo lỗ do giá giảm . Ảnh: TL

Trong khi doanh nghiệp xây dựng tỏ ra phấn khởi, thì đã có một số doanh nghiệp sản xuất thép báo lỗ do sức tiêu thụ giảm và giá thép đi xuống.

Điển hình như Thép SMC cho biết, do giá thép xu hướng giảm mạnh dẫn đến giá vốn cao tăng cao đã ảnh hưởng đáng kể đến loại nhuận của doanh nghiệp này. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của thép SMC ở mức 13.250 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 123 tỷ đồng, giảm 83,4% so với cùng kỳ.

Với CTCP Thép Thủ Đức - Vnsteel, do lượng thép tiêu thụ giảm mạnh, dẫn đến công ty ngừng sản xuất, giá thép tồn kho tăng cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng giá vốn. Doanh thu quý II của doanh nghiệp này chỉ đạt 358 tỷ đồng, giảm hơn 45% so với cùng kỳ và lỗ 2,4 tỷ đồng và kéo kết quả hoạt động kinh doanh chung của công ty đi xuống.

Theo nhận định của VSA và các chuyên gia kinh tế, việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư công thực hiện tăng và sự nóng lên của thị trường bất động sản nhà ở sẽ giúp sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam tăng 5-10% so với cùng kỳ.

Theo đó, giá bán thép xây dựng sẽ giảm dần về mức trung bình trong dài hạn. Dự đoán giá thép xây dựng trung bình năm 2022 đạt 16,1 triệu đồng một tấn và về mức 14,5 triệu đồng một tấn trong năm sau.

Liên quan đến thị trường thép, Bộ Công thương cho biết, có những biện pháp đảm bảo cung cầu và bình ổn giá.

Theo đó, ngành công thương sẽ theo dõi và xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng…