Giải bài toán cân đối ngân sách nhưng vẫn phải lo cho “sức khỏe” doanh nghiệp
Việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% đã hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: TL

Giảm bớt lồng ghép chính sách xã hội trong chính sách thuế

Trước đó, tại phiên họp 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), khi cho ý kiến về dự thảo nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), UBTVQH đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo như chính sách đã quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, thay vì mở rộng áp dụng đối với mọi loại hàng hóa, dịch vụ như đề xuất của Chính phủ.

Lý do bởi UBTVQH lo ngại việc mở rộng chính sách giảm thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu ngân sách, trong khi tình hình thu ngân sách năm 2023 đang khó khăn, tổng cầu yếu, sức khoẻ doanh nghiệp sụt giảm. UBTVQH yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của 2023.

Trong cuộc làm việc mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xuất nhập khẩu…, có lãnh đạo địa phương bày tỏ lo lắng khi các chính sách thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của địa phương.

Đành rằng, các chính sách hỗ trợ trong bối cảnh khó khăn là hết sức cần thiết, song nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện một số tổ chức quốc tế khi nói về vấn đề này đã cảnh báo, nên giảm bớt lồng ghép các chính sách xã hội trong chính sách thuế, có thể làm xói mòn cơ sở thuế. Nhiều chính sách giảm thuế, phí, lệ phí hiện nay ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách của địa phương, bởi có một số khoản thu nộp về ngân sách địa phương.

Triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong ngắn hạn, cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Trên thực tế, dù còn nhiều khó khăn nhưng ở một số lĩnh vực, một số ngành vẫn có tăng trưởng và vẫn có thể cùng gánh gồng trách nhiệm, chia sẻ khó khăn giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Do đó, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, tại tờ trình mới đây, Chính phủ đề xuất việc giảm thuế sẽ không áp dụng với nhóm hàng hoá như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là chính sách đã thực hiện trong năm 2022.

Kinh tế phát triển sẽ đóng góp trở lại cho ngân sách

Theo Chính phủ, năm 2022, việc giảm thuế GTGT 2% (trừ các nhóm ngành như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản… ) đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 44.500 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hoá, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động, từ đó góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Việc thực hiện giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 43/2022/QH15 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước. Thu thuế GTGT nội địa không giảm, mà tăng 10% so với cùng kỳ. Chính sách này nếu thực hiện trong năm nay, dự kiến ngân sách giảm thu 24.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, bên cạnh việc tiếp tục giảm thuế GTGT 2%, các giải pháp đã và đang thực hiện năm 2023 (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu; miễn, giảm các khoản thu phí, lệ phí) là cần thiết, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế.

Cái khó và cái khéo trong điều hành là chính sách tài khóa phải hỗ trợ được doanh nghiệp, nền kinh tế, nhưng phải không ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, để đảm bảo nguồn cho các nhiệm vụ chi trong dự toán, cũng như chi cho các nhiệm vụ cấp bách, phát sinh.

Những năm qua, Bộ Tài chính đã có kinh nghiệm trong điều hành và đã có những thành công, song bối cảnh mỗi năm mỗi khác, nên cần phải tiếp tục linh hoạt, sáng tạo và khôn khéo trong điều hành. Điều này thể hiện bản lĩnh, cái tâm, cái tầm trong điều hành của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính sẽ tập trung quyết liệt công tác thu NSNN, tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính, đôn đốc thu nộp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện chính sách.

Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại NSNN trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tăng cường nội lực, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia.

Chi tiêu căn cơ, hiệu quả hơn

Theo Bộ Tài chính, đồng thời với cơ cấu lại các khoản thu, sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng thu ngân sách, tiếp tục thực hiện chi ngân sách nhà nước (NSNN) chặt chẽ, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên. Ngoài ra, thực hiện cắt giảm các khoản dự toán đã giao nhưng đến hết ngày 30/6/2023 các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ, theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 của Chính phủ; chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh theo quy định.

Có thể nói, hơn một nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Tài chính đã đặt mục tiêu thực hiện cơ cấu một bước thu - chi NSNN. Kể cả trong thời điểm dịch Covid-19 “thu thì khó mà chi thật nhiều”, vấn đề này ngày càng đặt ra cấp thiết hơn, đòi hỏi các cấp ngân sách phải cùng vào cuộc, chi tiêu ngân sách phải căn cơ hơn, hiệu quả hơn nữa.

Trong chỉ đạo điều hành, Bộ Tài chính đề nghị các cấp ngân sách phải chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai.

Thậm chí, thực hiện thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng đến hết nửa năm chưa phân bổ, hoặc phân bổ nhưng chưa triển khai; các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đối với địa phương, Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, ngoài ra nếu giảm thu thì phải giảm chi tương ứng.

Đây là hướng đi đúng tiếp tục được Bộ Tài chính thực hiện triệt để hơn nữa trong nhiệm kỳ này. Những giải pháp cơ cấu lại nguồn thu và nhiệm vụ chi này nhận được sự đồng tình lớn từ phía dư luận. Trả lời phỏng vấn TBTCVN, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính trong cơ cấu lại NSNN, đặc biệt là việc tiết kiệm các khoản chi ngân sách.

Có ý kiến cho rằng, trong thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế cũng cần hết sức thận trọng, bên cạnh rà soát loại bỏ các ưu đãi không còn phù hợp, thì cần tránh ưu đãi dàn trải, chỉ tập trung ưu đãi cho những ngành, nghề mũi nhọn hoặc đặc biệt cần khuyến khích hoặc đầu tư vào địa bàn cần ưu đãi. Đồng thời, chính sách ưu đãi thuế cần được áp dụng ổn định trong trung và dài hạn, hạn chế thay đổi thường xuyên làm ảnh hưởng đến kế hoạch và kết quả sản xuất kinh doanh cũng như chiến lược đầu tư của doanh nghiệp./.