Giải bài toán vật tư đầu vào cho nông dân
Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành đối thoại với nông dân sáng ngày 29/5. Ảnh: Nam Khánh

Kiến nghị Thủ tướng bình ổn giá vật tư nông nghiệp

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, một trong vấn đề "nóng” được người nông dân quan tâm là giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng cao, hầu hết các mặt hàng tăng rất cao so với trước dịch Covid-19, khiến nhiều nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải "treo ao, treo chuồng". Người nông dân, sản xuất mong muốn thời gian tới, Chính phủ có chính sách, biện pháp để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, vấn đề giá cả các mặt hàng tăng cao trong thời gian qua đã được Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã nỗ lực kiểm soát tăng giá, đặc biệt là những mặt hàng có tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấu thành giá thành sản phẩm. Bộ Công thương cũng đã nghiên cứu chính sách bảo đảm về thuế, phí và trong trường hợp giá cả tiếp tục leo thang sẽ có đề xuất trợ giá để hỗ trợ nông dân.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Diên, vấn đề trượt giá là vấn đề mang tính chất toàn cầu, không riêng quốc gia nào. Vì vậy, Bộ Công thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào.

"Cụ thể, chúng tôi sẽ làm việc với các doanh nghiệp để có những giải pháp phù hợp cho cả đôi bên người bán – người mua. Theo tính toán thì vật tư đầu vào chiếm 55% giá thành sản phẩm, nên nếu tính toán tỉ mỉ thì hoàn toàn có thể giảm giá thành các nguyên liệu. Đây cũng chính là cách các doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người nông dân, chia sẻ với Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục kiểm tra kiểm soát thị trường, bình ổn giá các mặt hàng; đồng thời, điều chỉnh thuế, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế… để các mặt hàng, vật tư thiết yếu như phân bón có thể giảm xuống, bớt khó khăn cho nông dân” - ông Diên nhấn mạnh.

Bàn về giải pháp tiết kiệm chi phí đầu vào, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết thêm, giá thành sản phẩm được quyết định bởi 2 yếu tố cấu thành là lượng và giá. Vì vậy, mô hình nông nghiệp mới tại đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long đã chứng minh chúng ta có thể tiết giảm lượng trong quy trình sản xuất để tiết kiệm vật tư đầu vào. Ngân hàng Thế giới đánh giá nông dân Việt Nam đang lạm dụng hơn 55% chi phí vật tư đầu vào.

“Tôi có đi thị sát các mô hình ở nhiều địa phương, thì thấy nông dân đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm này đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp, đó cũng là cách giảm chi phí. Hoặc chúng ta có thể vào hợp tác xã mua chung, mua sỉ các loại vật tư nông nghiệp để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất. Chúng ta cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài. Giảm chi phí là mệnh lệnh và làm được nếu chúng ta quyết tâm. Quan trọng nhất là giải pháp phù hợp”.

Giải bài toán vật tư đầu vào cho nông dân
Nông dân đặt câu hỏi tới Thủ tướng tại hội nghị. Ảnh: Nam Khánh

Có nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Giải đáp về vấn đề hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất, phát triển nông nghiệp hiệu quả, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, xác định lực lượng doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn...

Làm rõ thêm nội dung hỗ trợ nông dân trong lúc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, vừa qua, Chính phủ đã đề xuất và đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Ngay trong thời gian phòng chống dịch vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ như giảm lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước.

Chính phủ cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…, đặc biệt là hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc để giảm chi phí logistics. Đây là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước ta, chúng ta có nguồn lực và đã bố trí nguồn lực để làm.

Về việc xây dựng thương hiệu, Thủ tướng cho biết đã đề cập vấn đề này rất nhiều lần tại nhiều diễn đàn khác nhau. Nhiều lúc chúng ta chưa nhận thức được giá trị của thương hiệu. Chúng ta phải cùng nhau nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị của thương hiệu. Cùng một cái áo mà công nhân Việt Nam may, nhưng gắn mác của các thương hiệu quốc tế vào giá trị tăng gấp hàng chục lần. Có thương hiệu rồi, chúng ta phải sản xuất thế nào để sản phẩm đáp ứng được chất lượng, số lượng, đặc biệt là tạo cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường.

Một vấn đề quan trọng khác là phải quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu. Như Bộ trưởng Lê Minh Hoan vừa đề cập, việc nhập khẩu ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi, các bộ ngành phải nghiên cứu tìm giải pháp, điều chỉnh chính sách để phát triển vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

“Chúng ta cùng nhận thức vấn đề, đưa ra giải pháp và hành động để giảm phụ thuộc về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Đây là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước. Chúng ta có nguồn lực và đã bố trí nguồn lực để làm, không phải "tính cua trong lỗ" – Thủ tướng nêu rõ.