Còn nhiều địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ngoài một số bộ, ngành địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao như: Ngân hàng Chính sách xã hội (88,45%); Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%); Ngân hàng Nhà nước (68,62%); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (61,26%); Quảng Ngãi (81,4%); Tiền Giang (67,5%); Long An (64,9%); Tây Ninh (64,7%); Ninh Bình (62,6%), vẫn còn 31 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, trong đó còn 14 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Hà Nội là 1 trong 2 địa phương (cùng TP. Hồ Chí Minh) được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 lớn nhất cả nước với trên 51.582,9 tỷ đồng, nhưng hiện Hà Nội đang đứng trong danh sách các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước.

Theo báo cáo từ UBND TP. Hà Nội, đến ngày 23/9/2022 vừa qua, thành phố mới giải ngân được 17.170 tỷ đồng, đạt 33,6% kế hoạch.

Việc triển khai các dự án trọng điểm của Hà Nội cũng đang rất chậm, ngoài 6 dự án (trong 8 dự án chuyển tiếp) mới được phê duyệt chủ trương đầu tư, Hà Nội hiện còn 25 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo đó, tỷ lệ giải ngân các dự án trọng điểm của Hà Nội đạt rất thấp với 23,51%, trong khi đó lượng vốn cần giải ngân của các dự án này còn 5.583 tỷ đồng.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc giải ngân thấp được UBND TP. Hà Nội chỉ ra là công tác giải phóng mặt bằng đang gặp khó khăn, ngoài ra là những khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư…

Tính đến trung tuần tháng 9/2022, tỉnh Bạc Liêu mới giải ngân được trên 1.322 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt trên 40% kế hoạch vốn (trên 3.341 tỷ đồng). Theo báo cáo từ UBND tỉnh Bạc Liêu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân của địa phương đạt dưới mức trung bình của cả nước như: diễn biến bất lợi của thời tiết, giá vật liệu xây dựng biến động, thiếu đất đắp chân nền lề đường; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn; năng lực một số nhà thầu thi công không đảm bảo; việc lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu gặp khó khăn, nhất là lĩnh vực y tế; công tác lập chủ trương, lập dự án chưa tính đầy đủ các hạng mục dẫn đến vượt tổng mức đầu tư phải điều chỉnh lại thủ tục...

Tại Nghệ An, hiện một loạt vướng mắc trong quy trình thực hiện thủ tục đối với các công trình khởi công mới và công trình chuyển tiếp cũng đang kìm tiến độ giải ngân của địa phương. Đặc biệt vẫn còn hiện tượng một số chủ đầu tư chưa thật sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện, giải ngân vốn đầu tư nên tỷ lệ giải ngân của tỉnh đến ngày 10/9 mới đạt 29,7%. Dự kiến đến hết năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 27 dự án không giải ngân hết vốn.

Chạy “nước rút” để cán đích

Chỉ còn vài ngày nữa là hết quý III/2022, trong khi tỷ lệ giải ngân của cả nước chưa đạt được 1 nửa kế hoạch. Tình trạng giải ngân chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. ‘Sốt ruột” trước thực trạng “có tiền mà không tiêu được”, Chính phủ đã thường xuyên có những chi đạo, thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương.

Gần đây nhất, ngày 15/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 124/NQ- CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022. Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương; giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội được giao trong năm 2022.

Đặc biệt, sáng ngày 26/9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn; nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án chậm, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm…để từ đó đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể thúc tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm.

Thanh toán vốn kéo dài ước đạt 33% kế hoạch

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, với nguồn vốn các năm trước kéo dài sang năm 2022, ước tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2022 giải ngân được trên 16.694,9 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch (trên 50.595,6 tỷ đồng). Cụ thể, vốn trong nước giải ngân được trên 16.435 tỷ đồng, đạt trên 36% kế hoạch; vốn nước ngoài giải ngân được trên 259 tỷ đồng, đạt trên 4,7% kế hoạch.

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ cũng như phấn đấu giải ngân vốn đầu tư đến cuối năm đạt trên 95%, UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục hỗ trợ tích cực cho chủ đầu tư để xử lý dứt điểm các trường hợp còn vướng mắc, tồn đọng và yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo cụ thể từng trường hợp cho ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án trên địa bàn tỉnh, nhằm giải quyết triệt để các khó khăn giúp các nhà thầu triển khai dự án nhanh chóng.

Đối với TP. Hà Nội, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phấn đấu đạt hơn 90% kế hoạch vốn năm 2022, UBND thành phố đã yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cam kết bằng văn bản với UBND thành phố về tỷ lệ giải ngân và chịu trách nhiệm nếu không đạt tỷ lệ giải ngân theo cam kết. Đặc biệt, đối với những dự án trọng điểm, UBND thành phố đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thi công liên tục 3 ca/ngày, đồng thời điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án chậm tiến độ sang dự án có tiến độ giải ngân tốt…

Với các giải pháp đặt ra để thực hiện từ nay đến cuối năm, các địa phương đang kỳ vọng vào những tháng cuối năm sẽ cải thiện được tiến độ giải ngân để đạt kết quả cao nhất khi kết thúc năm ngân sách.