Thị trường cổ phiếu tìm điểm cân bằng mới

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tiếp nối đà tăng của năm 2021, sau khi VN-Index đạt mức đỉnh lịch sử (1.528,57 điểm vào ngày 6/1/2022), thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước bước vào giai đoạn diễn biến giằng co và có sự bứt phá mạnh trở lại vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Thanh khoản thị trường cổ phiếu trong giai đoạn này tiếp tục tăng trưởng khá với giá trị giao dịch bình quân quý I/2022 đạt 31.174 tỷ đồng, tăng 17,2% so với bình quân năm 2021.

Trong quý II/2022, thị trường đã trải qua những nhịp điều chỉnh giảm mạnh. Đóng cửa ngày 30/6/2022, chỉ số VN-Index đạt mức 1.197,6 điểm, giảm 20,1% và chỉ số HNX-Index đạt mức 277,68 điểm, giảm 41,4% so với cuối năm 2021. Thanh khoản thị trường có xu hướng giảm khiến giá trị giao dịch bình quân quý II/2022 đạt 20.491 tỷ đồng/phiên, giảm 34,27% so với bình quân quý I/2022. Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân của thị trường cổ phiếu đạt 25.440 tỷ đồng, chỉ giảm 4,4% so với bình quân năm trước.

Nhiều chỉ số chứng khoán suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2022. Nguồn: SSI Research
Nhiều chỉ số chứng khoán suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2022. Nguồn: SSI Research

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu giảm sâu kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp đã đưa định giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực với mức P/E VN-Index dự phóng 11,5 lần, trong khi tỷ lệ P/E dự phóng (lợi nhuận/giá một cổ phiếu) trung bình của các quốc gia ASEAN đang phát triển trong khu vực khoảng 16,2 lần.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu giảm do chỉ số giảm mạnh nhưng quy mô niêm yết vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tính đến ngày 30/6, mức vốn hóa thị trường đạt 6.250 nghìn tỷ đồng, giảm 19,5% so với cuối năm 2021, tương đương 74,4% GDP. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch (ĐKGD) của thị trường tính đến cuối tháng 5/2022 đạt 1.830 nghìn tỷ đồng, tăng 5,22% với cuối năm 2021 với 767 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 863 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM.

Nhiều giải pháp để tăng chất lượng hàng hóa, dịch vụ

Mặc dù có nhiều yếu tố từ cả kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường hỗ trợ, tuy nhiên, TTCK từ nay đến cuối năm vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2022, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tăng cường nhiều giải pháp quan trọng để vừa hỗ trợ thị trường tăng trưởng ổn định, vừa tăng cường kỷ cương, kỷ luật để thị trường phát triển về chiều sâu, lành mạnh, bền vững.

Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, bên cạnh các nhiệm vụ công tác hoàn thiện khung pháp lý và chính sách theo kế hoạch, cơ quan quản lý hiện đang khẩn trương rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để kịp thời đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung hoặc trình các cấp sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của TTCK, nhất là qua 2 năm Covid-19 vừa qua.

Khối ngoại bền bỉ mua ròng khi thị trường cổ phiếu giảm sâu

Trong 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3.397 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu, đặc biệt trong quý II là giai đoạn thị trường Việt Nam điều chỉnh giảm sâu, khối này đã đẩy mạnh mua ròng với giá trị 10.417 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.

Cùng với đó, UBCKNN sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đảm bảo các tổ chức này hoạt động lành mạnh, đúng quy định pháp luật, từ đó phát huy tích cực vai trò là đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên thị trường. Mặt khác, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý.

Về mặt sản phẩm, sẽ tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững; nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên TTCK, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech); chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (EKYC).

Song song với đó, đối với công tác quản lý hoạt động phát hành chứng khoán và công ty đại chúng, UBCKNN sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động huy động vốn trên TTCK của các tổ chức phát hành. Đồng thời, tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên.

UBCKNN cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác giám sát TTCK, nâng cao vai trò giám sát các tuyến, nhất là các đơn vị giám sát tuyến đầu để kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường. Đối với giám sát công ty đại chúng, tiếp tục giám sát chặt chẽ về công bố thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính, báo cáo tài chính kiểm toán, cũng như chấn chỉnh, tăng cường chất lượng công tác kiểm toán của các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán. Rà soát, giám sát, kiểm tra và có biện pháp thúc đẩy, xử lý sai phạm đối với các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK.

Bên cạnh đó, ngoài việc triển khai và hoàn thành công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ năm 2022, cơ quan quản lý sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, phối hợp xác minh làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK.