Giá tăng khoảng 15%

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng quý IV/2022 có 18 dự án chào bán, đưa ra thị trường 2.561 sản phẩm, tập trung chủ yếu ở miền Nam.

Giải pháp nào khơi thông phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng?
Phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng còn khó khăn do những tồn đọng về pháp lý, quy định về việc cấp sổ cho loại hình condotel. Ảnh: TL.

Nguồn cung chủ yếu là hàng tồn kho từ quý trước trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều thách thức, hoạt động mở bán và đưa vào khai thác của một số dự án sẽ bị chậm tiến độ hơn so với dự kiến. Quý IV/2022, lượng giao dịch tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ du lịch tại một số dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu, chiếm 50% tổng lượng tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng còn khó khăn do những tồn đọng về pháp lý, quy định về việc cấp sổ cho loại hình condotel, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư, đơn vị vận hành, khách hàng. Những câu hỏi về hiệu quả trong khai thác, vận hành và niềm tin của khách hàng sau những sự cố về việc chi trả các khoản cam kết lợi nhuận, tiến độ bàn giao… đang ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Còn theo Bộ Xây dựng, trong năm 2022, cả nước đón nhận thêm hơn 19.000 sản phẩm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng mới, trong đó, chủ yếu đến từ khu vực miền Trung, chiếm 42% lượng cung toàn thị trường. Cũng trong năm, cả nước chỉ có thêm 12 dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép mới, bằng khoảng 23% so với năm 2021. Đáng chú ý, lượng tiêu thụ cả năm chỉ đạt trên 30% tổng nguồn cung.

Tuy nhiên, có nghịch lý xảy ra là mặc dù tỷ lệ tiêu thụ thấp nhưng giá bán các sản phẩm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng lại tăng khoảng 15% so với thời điểm đầu năm 2022 và đang đứng ở mức tương đối cao. Cụ thể, dự án Grand Bay Hạ Long (Quảng Ninh), nhà biệt thự du lịch (resort villa) giá 118 triệu đồng/m2, nhà phố thương mại (shophouse) khoảng 120 triệu đồng/m2, dự án The Holiday Hạ Long, căn hộ du lịch (condotel) giá 36 triệu đồng/m2…

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, hầu hết sản phẩm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đưa vào giao dịch là hàng tồn kho của những dự án đã mở bán. Hiện nay, lượng tồn kho BĐS hầu như chỉ có ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi và thuộc về nhà đầu tư thứ cấp.

Cần gỡ điểm nghẽn pháp lý

Các chuyên gia nhận định, thời gian tới, nhiều khả năng phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục gặp khó khăn với mức thanh khoản trung bình thấp và khó có những đột biến trong ngắn hạn. Cùng với đó, mặc dù ngành du lịch đã mở cửa trở lại nhưng vẫn chưa tăng trưởng như kỳ vọng và hồi phục về mức trước đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, ngày 6/2/2023, phía Trung Quốc thông báo cho phép các công ty lữ hành trong nước tổ chức tour đến 20 nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á, nhưng lại không có Việt Nam. Đây cũng được xem là thách thức lớn khi ngành du lịch Việt Nam đang kỳ vọng vào lượng khách lớn từ Trung Quốc.

Giải pháp nào khơi thông phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng?
Mặc dù tỷ lệ tiêu thụ thấp nhưng giá bán các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lại tăng khoảng 15% so với thời điểm đầu năm 2022. Ảnh: Văn Nam.

Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ coi hoạt động du lịch là lĩnh vực trọng tâm trong phục hồi và phát triển nền kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu không có khung pháp lý hoàn chỉnh, không gỡ được các điểm "nghẽn" đang có thì BĐS du lịch, nghỉ dưỡng không thể gọi vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp. Khi không có vốn để phát triển và tái khởi động các dự án đang dang dở thì cũng không thể nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú cho ngành du lịch, một trong những yếu tố mang tính quyết định đến việc thu hút và giữ chân du khách.

“Việt Nam muốn trở thành một cường quốc du lịch thì phải ưu ái cho loại hình BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Việc sớm có quyết sách tháo gỡ các vướng mắc cho loại hình BĐS này là rất cần thiết để phát triển kinh tế du lịch. Từ thực tế, nếu chúng ta cho các BĐS du lịch, nghỉ dưỡng được sử dụng đất lâu dài thì đấy chính là chìa khóa tạo ra sức hấp dẫn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này” - GS. Đặng Hùng Võ nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nút thắt chủ yếu đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là việc xác định khái niệm đầy đủ, rõ ràng và việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng. Việc kịp thời và chủ động hoàn thiện các căn cứ pháp lý điều chỉnh theo hướng có các quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn, góp phần quản lý, khai thác và phát triển tốt nhất loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn vốn đầu tư trong phân khúc này.