Lượng phát hành giảm một phần do dịch Covid-19

Theo các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), do ảnh hưởng nặng nề của làn sóng Covid-19 lần thứ 4, tại các vùng kinh tế trọng điểm, hoạt động kinh doanh trì trệ nên hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng tăng trưởng chậm lại. Kết quả trong quý III/2021, có 162,7 nghìn tỷ đồng TPDN được phát hành, giảm khoảng 17% so với quý II, trong đó bao gồm 725 triệu USD trái phiếu được phát hành ra thị trường quốc tế.

Chuyên gia của MBS cũng cho rằng, vài tháng vừa qua, tình trạng lạm phát vẫn được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và tình trạng thanh khoản trong hệ thống dồi dào. Tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng tháng 9 chỉ tăng 4,28% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,48%). Lãi suất huy động tại ngân hàng thương mại giảm mạnh, xu hướng gửi tiền vào ngân hàng cũng chậm lại khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang tham gia đầu tư TPDN bởi mức lãi suất cao. Trong 9 tháng năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã phát hành 406 nghìn tỷ đồng TPDN, phần lớn là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Kỳ hạn bình quân của các trái phiếu là 4,1 năm, trong khi lãi suất là 8,3%/năm.

Giám sát chặt chẽ, tăng tính công khai, minh bạch

Cũng theo số liệu từ MBS, nhóm ngân hàng là ngành đi đầu trong việc phát hành trái phiếu trong quý III và 9 tháng. Trong 3 tháng gần nhất, các ngân hàng đã phát hành 67,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Tổng cộng trong 9 tháng đầu năm, lượng trái phiếu các ngân hàng huy động đạt 143 nghìn tỷ đồng, chiếm 35% tổng lượng phát hành. Kỳ hạn bình quân các trái phiếu ngân hàng là 2,2 năm; mức lãi suất bình quân đạt 4,4%/năm. Dự kiến hoạt động phát hành trái phiếu của nhóm ngân hàng vẫn sẽ được duy trì do nhu cầu tăng vốn cấp 2.

Nhóm đứng thứ 2 về mặt khối lượng trái phiếu phát hành là bất động sản. Tính riêng trong quý III, nhóm này đã phát hành 50,7 nghìn tỷ đồng TPDN; còn từ đầu năm, lượng trái phiếu huy động lên tới 132,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 33% tổng lượng trái phiếu phát hành. Lãi suất bình quân của những trái phiếu bất động sản là 11,2%/năm, trong khi kỳ hạn bình quân là 3,93 năm.

Tăng cường quản lý giám sát trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính cho biết, triển khai các quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn, Bộ đã và đang tăng cường quản lý giám sát đối với thị trường TPDN.

Theo đó, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến quy định mới về chào bán, giao dịch TPDN, cảnh báo về các rủi ro đối với các chủ thể khi tham gia thị trường, định hướng các giải pháp phát triển thị trường TPDN đã được thực hiện theo định kỳ, chủ động và có hiệu quả. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động thông tin, tuyên truyền về tình hình thị trường TPDN; cảnh báo kịp thời về những rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Thị trường có nhiều bước tiến nhưng còn một số vấn đề cần lưu ý

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những bước tiến tích cực với nhiều kết quả đạt được, song qua công tác quản lý giám sát thị trường, Bộ Tài chính cho biết còn một số vấn đề cần lưu ý. Cụ thể là, phần lớn tài sản đảm bảo của trái phiếu là bất động sản, dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu doanh nghiệp, giá trị của tài sản đảm bảo chịu ảnh hưởng diễn biến của thị trường; một số trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu phát hành riêng lẻ và có doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Cùng với đó, nhằm hạn chế rủi ro và tăng cường quản lý giám sát thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai 4 đoàn kiểm tra trong tháng 10/2021 tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về TPDN. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, tình hình tài chính yếu.

Trên cơ sở công tác quản lý giám sát và kết quả kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN, Bộ Tài chính đang đánh giá để đề xuất sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn không phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tăng cường công khai minh bạch trong huy động vốn trái phiếu.

Về sự phối hợp giữa các bộ, ngành, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ về tình hình thị trường TPDN và công tác quản lý giám sát. Bên cạnh đó, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành tăng cường quản lý giám sát thị trường TPDN thông qua: đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức tín dụng huy động vốn từ phát hành trái phiếu và phối hợp chia sẻ thông tin kết quả kiểm tra, giám sát; đề nghị Bộ Xây dựng có các giải pháp quản lý thị trường bất động sản, phối hợp quản lý giám sát và cảnh báo các doanh nghiệp bất động sản về rủi ro tăng trưởng nóng; tổ chức làm việc với Bộ Công an về khung khổ pháp lý và tình hình phát hành TPDN để tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin.

Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, để tăng tính công khai, minh bạch và tăng cường quản lý, giám sát hoạt động giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng Thông tư và chuẩn bị thiết lập thị trường TPDN riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đồng thời nâng cấp chuyên trang thông tin và hệ thống niêm yết, giao dịch TPDN phát hành ra công chúng.