Gia tăng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ

Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ có xu hướng gia tăng. Trong đó, mặt hàng đặc biệt gia tăng mạnh được điểm tên là đường cát.

Thực tế cho thấy, đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới với Campuchia và Lào tràn về với số lượng lớn và giá thấp hơn cả giá đường nhập khẩu. Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu mặt hàng này.

Đơn cử, mới đây, lực lượng chức năng Quảng Trị đã bắt giữ 2 tấn đường kính do Thái Lan sản xuất nhập lậu vào nội địa tiêu thụ. Tại Long An, từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động buôn lậu, vận chuyển đường cát do nước ngoài sản xuất nhập lậu qua biên giới tăng mạnh. Ngày 16/2, trên đường KT3 thuộc địa bàn xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 2,45 tấn đường cát; ngày 22/2, tiếp tục bắt giữ 2 ô tô tải vận chuyển 10 tấn đường do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ…Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm đã phát hiện, bắt giữ gần 46 tấn đường cát nhập lậu các loại…

Quyết tâm ngăn chặn gian lận và buôn lậu đường cát
Lực lượng Hải quan phát hiện nhiều vụ gian lận và buôn lậu đường cát. Ảnh: TL

Về câu chuyện này, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho hay, qua so sánh giá nhập khẩu cho thấy, giá đường nhập khẩu Campuchia thấp hơn so với đường Thái Lan. Theo thông tin thị trường, giá mua đường Campuchia thực tế cao hơn giá đường Thái Lan nhưng nhà xuất khẩu chấp nhận thanh toán linh hoạt bằng cách nhận phần tiền mặt và xuất hóa đơn chi phí giá thấp.

Đáng chú ý, từ sau khi áp dụng thuế chống bán phá cho đường mía xuất xứ Thái Lan, số lượng đường xuất khẩu từ Lào sang nước ta đã tăng mạnh, khoảng 60 lần so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, một số công ty nhập khẩu, không phải là các công ty chuyên doanh trong lĩnh vực đường mà chỉ kinh doanh liên quan thương mại biên giới và có liên quan đến các đầu nậu có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh đường gian lận; khai thấp giá nhập khẩu; đường nhập khẩu từ Lào khai báo hải quan là đường nâu, đường vàng nhưng các đầu nậu đưa ra thị trường cả các loại đường tinh luyện Thái Lan; việc nhập khẩu mía đường từ Campuchia qua các cửa khẩu biên giới Tây Nam cũng có nhiều bất thường…

Ngăn chặn đường lậu ngay từ "cửa ngõ"

Trước thực trạng đó, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã có rất nhiều biện pháp để ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận trong nhập khẩu đường. Đơn cử, ngày 8/11/2021, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 5277/TCHQ-GSQL về việc tiến hành xác minh C/O mẫu D với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để kiểm tra xuất xứ thực tế đường nhập khẩu. Đối với các C/O do Campuchia cấp: Cơ quan có thẩm quyền của Campuchia xác nhận 19 C/O do Campuchia cấp đối với C/O mẫu D và mẫu AANZ là thật, được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Campuchia và hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ (WO) theo đúng quy định. Cây mía được trồng tại nông trại và trải qua quá trình sản xuất ra đường trắng tại nhà máy của Công ty Phnom Penh Sugar, Campuchia.

Đối với các C/O do Indonesia cấp: Đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Hải quan đã nhận được kết quả xác minh từ cơ quan có thẩm quyền cấp C/O của Indonesia cho các C/O cấp cho nhà xuất khẩu là Công ty PT.KEBUN TEBU MAS.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền của Indonesia xác nhận C/O hợp lệ và cung cấp các chứng từ chứng minh quá trình sản xuất mặt hàng đường tinh luyện trải qua 20 bước với máy móc, thiết bị và 143 nhân công tham gia vào quá trình sản xuất.

Tổng cục Hải quan đã thông báo kết quả 42 C/O gửi Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Phòng. Đối với các C/O do Myanamar cấp: Tổng cục Hải quan đã tiến hành xác minh với 06 C/O Myanmar để có đánh giá tổng thể nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ quốc gia này...

Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác kiểm tra đối với mặt hàng mía đường. Thời gian tới, cơ quan hải quan địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra kiểm tra đối với mặt hàng đường mía, kiểm soát ngăn chặn, phát hiện các hành vi quay vòng tờ khai nhập khẩu; thiết lập tiêu chí rủi ro cao để áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát phù hợp; kiểm tra sau thông quan,… theo đúng chỉ đạo của Tổng cục.

Mới đây, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các địa phương xác định rõ các đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tập trung theo dõi, phát hiện đấu tranh. Đặc biệt kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm, triệt để các vụ việc vi phạm, không để kéo dài hoặc hình thành đường dây, ổ nhóm phức tạp.

Đặc biệt, chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ cần tập trung vào một số địa bàn trọng điểm, xác định các mặt hàng có xu hướng buôn lậu gia tăng, trong đó có đường cát… để tập trung nguồn lực phòng ngừa đấu tranh, bắt giữ, xử lý đảm bảo đúng, trúng, hiệu quả góp phần ổn định thị trường, tăng trưởng kinh tế của địa phương và cả nước./.