Sau nhiều năm triển khai nhưng việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được như kỳ vọng.

Sau nhiều năm triển khai nhưng việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được như kỳ vọng.

Chậm cổ phần hóa do vướng về định giá tài sản

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh - Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Viet Analytics, một trong những nguyên nhân chính khiến việc cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua chậm là do vướng mắc trong việc định giá tài sản của DNNN. Đặc biệt, những DNNN quy mô lớn có tài sản lên đến nhiều tỷ USD thì càng khó định giá. Để CPH DNNN được thì phải định giá được tài sản, sau đó sẽ phải tìm được các nhà đầu tư chiến lược bán một phần của tài sản nhà nước sang cho tư nhân. Mặc dù việc định giá đó có thông qua công ty định giá trong và ngoài nước, nhưng không có bất kỳ một cơ sở nào để nói rằng định giá nào đưa ra giá trị hợp lý. Nếu định giá cao quá thì tư nhân không mua, nếu định giá thấp thì gây thiệt hại cho Nhà nước và rất dễ bị xử lý trách nhiệm. Đó chính là lý do khiến cho tất cả những người chịu trách nhiệm trong việc phê duyệt giá trị tài sản của DNNN để CPH đều ngần ngại, “chùn tay”.

Tuy nhiên, trả lời phóng viên, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong lại cho rằng, định giá cũng là một “nút thắt” nhưng nó không phải là nguyên nhân chính dẫn tới chậm trễ trong CHP DNNN trong thời gian qua. Điều chủ yếu là bản thân các cơ quan nhà nước đôi khi cũng không muốn CPH, ngay cả bộ chủ quản, UBND tỉnh, rồi giám đốc DN. Đây là hệ quả của cơ chế bao cấp khiến cho đặc quyền đặc lợi rất lớn và bản thân những người trong cuộc không muốn CPH. Tiếp đó là, đích của các bên có liên quan trong quá trình thiết lập các phương án bao gồm cả định giá, cả quyền lợi của họ sau CPH.

Về vấn đề định giá, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, khách quan thì chúng ta đang đòi hỏi việc tính toán không bị thất thoát và trừng phạt những người làm thất thoát. Đòi hỏi chặt hơn trong khi những phương án tính toán lại chưa được rõ ràng. Vì vậy, những người trong cuộc chùn tay và chần chừ vì dễ bị bắt lỗi.

“Tôi cho rằng, trong bối cảnh đó, CPH chậm một chút còn hơn làm ào ào thì mất sẽ nhiều hơn được. Vì hiện tại chủ yếu là các tập đoàn, DNNN lớn, mới bán Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội đã lộ ra những bất cập rồi, nên rõ ràng làm thận trọng để giữ được, còn hơn là bán vội bán vàng” - TS. Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.

Chấp nhận khoảng thị trường định giá với sai số 20%

Đưa ra khuyến nghị khắc phục các hạn chế khi thực hiện CPH DNNN, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, trước hết, các biện pháp phải rõ ràng, nhất là những biện pháp tính giá. Khi đã tính xong phải công bố công khai chứ không phải chỉ trong nhóm xây dựng biết với nhau, đến khi bị phanh phui thì mới tính toán lại. Vì vậy các tính toán phải được công khai và được phản biện, không chỉ người trong cuộc với nhau biết, khi đã rõ ràng thì mọi thứ sẽ đều đơn giản.

Việc nữa là quá trình chuyển đổi sau CPH hoạt động như thế nào và đất chuyển công năng như thế nào? Giữa định giá vẫn giữ công năng hoạt động với việc chuyển công năng hoạt động là khác nhau. Vấn đề này, Nhà nước nên có phương án đảm bảo giá đất riêng ra, nếu giữ nguyên công năng thì ở mức giá này; còn nếu chuyển đổi mục đích thì phải tính theo giá thị trường trên cơ sở đấu thầu. Đặc biệt là cần chuyển cho thuê dài hạn thành cho thuê có thời hạn và ổn định, sau đó điều chỉnh theo thị trường, không có tình trạng cho thuê 20 năm như hiện nay nữa.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, việc CPH 2 bước (chuyển DN thành công ty cổ phần rồi sau đó thực hiện bán cổ phiếu ra công chúng) như đề xuất trong đề án của Bộ Tài chính là một phương án tốt, thể hiện một sự chuyên nghiệp và linh hoạt để đáp ứng các yêu cầu cũng như các mục tiêu về quản lý nhà nước. Khi điều hành, tính tài chính cũng như độ mở và tính hấp dẫn của nó sẽ cao hơn với nhà đầu tư so với mô hình là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bán cổ phần như trước đây. Do vậy, điều này sẽ tạo tâm lý tốt hơn với nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng không nên áp dụng một cách máy móc, mà nên đưa cả 2 phương án (CHP 2 bước và quy định cũ) cho các DN lựa chọn theo mục tiêu quản lý của Nhà nước cả về tiến độ và chất lượng hiệu quả CPH. Như vậy sẽ rộng đường hơn và linh hoạt trong quá trình phát triển DN.

Còn theo chuyên gia Đinh Tuấn Minh, nếu đã chấp nhận giá theo cơ chế thị trường thì phải tuân theo nguyên tắc rõ ràng là sau khi IPO (phát hành công khai lần đầu) không được hồi tố và Nhà nước phải chịu thiệt hại, bất kể như thế nào. Nếu IPO giá cao thì không CPH được do không có ai mua, nếu chấp nhận định giá ở mức độ hợp lý thì sẽ có khả năng IPO thành công.

Theo vị chuyên gia này, để hợp lý thì nên chấp nhận mức độ giao động IPO là khoảng sai số +/- 20%. Đó chính là khoảng để thị trường định giá. Tức là giả sử với mức giá khởi đầu khi IPO là 20.000 đồng, cho phép khoảng giao động trên dưới 20%, nhưng thị trường định giá thấp hơn nên chỉ bán được một lượng ít những cổ phiếu đợt đầu với giá khoảng 16.000 đồng và có thể bị “ế”. Những đợt bán sau đó có thể bán hạ giá xuống thay vì 16.000 đồng giảm xuống 15.000 đồng hay 14.000 đồng, tức là giá theo thị trường.

Muốn cổ phần hóa được thì tài chính phải minh bạch


“Khi đã đấu công khai thì “lời ăn lỗ chịu”. Đấu theo đúng quy trình, không có chuyện “ông nào liên thông với ông nào” và giấu thông tin. Tức là các phương án xây dựng tốt cộng với đấu giá hoàn hảo thì sẽ bán được hết. Muốn cổ phần hoá được thì tài chính phải minh bạch, đất đai thuộc sở hữu phải công khai và đầy đủ, chỉ sợ người trong cuộc không muốn vì đâu đó có những khoản vì lợi ích nào đó mà chưa muốn lộ ra. Đó cũng là một nút thắt, góc tối cần được soi ra” - TS. Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.

Thảo Miên