Hà Nội 7.035,474 tỷ đồng kinh phí chi thường xuyên cho an sinh xã hội
Hà Nội chi 7.035,474 tỷ đồng kinh phí thường xuyên cho an sinh xã hội. Ảnh: TL

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025, thực hiện 27 chỉ tiêu của Chương trình 08-CTr/TU, đến nay có 17/27 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2025; có 5/27 chỉ tiêu dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2024. Hiện còn 2/27 chỉ tiêu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện gồm tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa (sức khỏe) học đường...

Có 3 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2024 gồm: Tỷ lệ xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Năm chỉ tiêu đang phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2024 gồm giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; tuổi thọ bình quân; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Hai chỉ tiêu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện là tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe đến quý 1/2024 đạt khoảng 85%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia Chương trình sữa học đường chưa có tiêu chí, hướng dẫn đánh giá.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, thành phố luôn quan tâm, dành nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, đặc biệt là các chính sách đặc thù của thành phố góp phần đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Năm 2023 kinh phí ngân sách cấp thành phố bố trí 7.035,474 tỷ đồng kinh phí chi thường xuyên (bao gồm kinh phí bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện). Ngoài ra, kinh phí thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU còn được bố trí lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ khác có liên quan của UBND TP.Hà Nội.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình 08-CTr/TU còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: mức thu nhập của người dân vùng dân tộc thiểu số còn thấp so với bình quân chung toàn thành phố; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao hơn các địa phương khác. Chưa có chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư đối với các dự án chợ dân sinh, chợ đầu mối; việc xã hội hóa trong phát triển các hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ… còn thiếu cơ chế chính sách khuyến khích.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, vận động để các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp, người dân cùng đồng thuận tham gia vì ngoài 27 chỉ tiêu còn rất nhiều việc làm để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Quan điểm xuyên suốt của thành phố là với các chỉ tiêu đã đạt thì tiếp tục thực hiện vì đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội không có điểm dừng, các đơn vị căn cứ kế hoạch đã xây dựng để thực hiện... Thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội tập trung triển khai chỉ tiêu quản lý sổ khám sức khỏe điện tử. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cùng các sở, ngành rà soát cơ chế chính sách để tạo điều kiện thực hiện nâng cao phúc lợi xã hội, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của nhân dân...