Hà Nội chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để bị động, bất ngờ
Quang cảnh hội nghị.

Chiều 12/12, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà - Trưởng ban Phòng chống dịch bệnh ở người TP. Hà Nội, đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã.

Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tính đến ngày 8/12, toàn thành phố đã ghi nhận 38.582 trường hợp mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,3% số xã, phường, thị trấn) và 4 trường hợp tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ 2022 (17.081 mắc, 23 tử vong).

Bệnh nhân có xu hướng gia giảm, trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 2.400 - 2.700 trường hợp, cao nhất ở tuần 42 (2.766 ca); hiện tại có xu hướng giảm trong 5 tuần gần đây, tuần vừa qua (tuần 49) ghi nhận 1.141 ca.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông (2.900), Thanh Oai (2.581), Hoàng Mai (2.470), Phú Xuyên (2.373), Đống Đa (2.308). Một số xã phường ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Phùng Xá, Hữu Bằng - Thạch Thất; Định Công, Hoàng Liệt - Hoàng Mai; Vĩnh Quỳnh - Thanh Trì; Cao Viên - Thanh Oai; Tân Lập - Đan Phượng; Ô Chợ Dừa - Đống Đa, Dương Nội - Hà Đông. Toàn thành phố đã ghi nhận 1.941 ổ dịch, hiện còn 56 ổ dịch đang hoạt động tại 14 quận, huyện.

Nhận định về tình hình dịch sốt xuất huyết, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, tuy thành phố ghi nhận số ca mắc giảm trong 5 tuần vừa qua, nhưng vẫn ở mức cao (trên 1.000 ca/tuần); ghi nhận số ổ dịch sốt xuất huyết giảm dần. Dự báo trong những tuần tới số ca mắc tiếp tục giảm.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dịch bệnh trên địa bàn thành phố năm 2023, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết rất phức tạp, số ca mắc vẫn tăng. Đây cũng là những vấn đề cần đặt ra và có giải pháp trong năm 2024 khi dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Với điều kiện mưa, nóng, ẩm kéo dài, chắc chắn sốt xuất huyết có nguy cơ rất cao đối với Hà Nội.

Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần phải tăng cường các giải pháp tuyên truyền, công tác phòng, chống dịch phải thực chất từ cộng đồng, địa phương mới có hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Việc chủ động tại quận, huyện hay phân cấp xã, phường phải có cơ chế kiểm tra, giám sát liên tục, thường xuyên và phải đảm bảo được công tác phòng, chống dịch.

“Nếu các đơn vị, địa phương làm tốt công tác dự phòng, làm tốt từ cộng đồng với những biện pháp hữu hiệu thì tính mạng, sức khỏe của người dân sẽ được đảm bảo, đặc biệt là những chi phí khám chữa bệnh sẽ giảm” - bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác, kiểm soát tốt tình hình, không để bị động, bất ngờ. Đặc biệt, đối với những địa phương còn các ổ dịch đang hoạt động, cần tiếp tục rà soát, có biện pháp xử lý kịp thời các ổ dịch, đảm bảo các điều kiện “4 tại chỗ” đáp ứng với mọi tình hình dịch bệnh trên địa bàn...

Nhấn mạnh bên cạnh việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch cũng cần có chiến dịch truyền thông bài bản, sâu rộng và tránh lãng phí nguồn lực, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu ngoài kế hoạch chung của thành phố, cần có kế hoạch tuyên truyền riêng về công tác phòng, chống dịch. Về việc này, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị tham mưu, chú trọng các biện pháp truyền thông hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, vừa giảm được nguồn lực vừa giúp người dân hiểu và nâng cao nhận thức trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cũng lưu ý Sở Y tế phối hợp các đơn vị làm sớm công tác tập huấn, bồi dưỡng lực lượng phòng chống dịch; các địa phương chủ động rà soát các địa bàn để triển khai các giải pháp phòng chống dịch sớm, quan tâm bố trí nguồn lực trong phòng, chống dịch, rút kinh nghiệm từ quận Hà Đông và huyện Thanh Oai./.