Tiết kiệm chi phí

Theo quy định hiện nay, người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình (BHYT HGĐ) được giảm trừ chi phí đóng. Theo đó, mức đóng BHYT được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể, người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Ví dụ, với mức lương cơ sở (từ tháng 7/2019) là 1.490.000 đồng/tháng, mức đóng BHYT HGĐ cho thời gian 12 tháng, người thứ nhất là 804.600 đồng; người thứ hai là 563.220 đồng; người thứ ba là 482.760 đồng; người thứ tư là 402.300 đồng; từ người thứ năm trở đi là 321.840 đồng.

Người tham gia có thể lựa chọn các phương thức đóng như đóng 3 tháng 1 lần, đóng 6 tháng một lần hoặc 1 năm 1 lần. Người tham gia nộp tiền cho đại lý thu hoặc nộp trực tiếp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) quận, huyện, thị xã.

Cán bộ BHXH TP. Hà Nội vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện tại chợ dân sinh. Ảnh: BHXH TP. Hà Nội
Cán bộ BHXH TP. Hà Nội vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện tại chợ dân sinh. Ảnh: BHXH TP. Hà Nội

Về hạn sử dụng của thẻ BHYT HGĐ, đối với người mua thẻ BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày nộp tiền. Đối với người đã tham gia BHYT, nếu nộp tiền trước ngày thẻ BHYT cũ hết hạn, thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng từ ngày tiếp theo thẻ BHYT cũ. Nếu nộp tiền sau ngày thẻ cũ hết hạn (trong thời gian dưới 3 tháng) thì thẻ BHYT có giá trị ngay từ ngày nộp tiền.

Theo số liệu của BHXH TP. Hà Nội, hiện trên toàn thành phố có hơn 1,4 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình. Với những lợi ích thiết thực mà BHYT hộ gia đình mang lại, nhiều người dân, lao động tự do càng ngày càng tin tưởng tham gia BHYT hộ gia đình.

Bà Hoàng Thị Hòa 67 tuổi, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội cách đây vài tháng phải mổ khớp háng. Chi phí chữa trị của bà lên đến hơn 59 triệu đồng. Cũng may bà đã tham gia BHYT HGĐ, bà được bảo hiểm thanh toán hơn 47 triệu đồng. Gia đình bà chỉ phải chi trả 12 triệu đồng.

Vốn là một nông dân khỏe mạnh, không hay ốm đau nên anh Nguyễn Văn Thể, quê Đan Phượng, Hà Nội trước kia từng không quan tâm tới thẻ BHYT. Sau khi người thân của anh phát hiện bị bệnh ung thư, được sự tư vấn của cán bộ BHXH, anh Thể quyết định tham gia BHYT HGĐ cho cả nhà. Anh Thể cho biết, tham gia BHYT HGĐ có điểm lợi là tổng mức đóng thấp hơn khi đóng cho từng cá nhân. Cũng nhờ tấm thẻ BHYT HGĐ mà mẹ anh bị ung thư được quỹ BHYT hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh. Nhờ đó gia đình anh mới không lâm vào cảnh nợ nần. Còn anh cách đây hơn 1 năm cũng phải mổ thoát vị đĩa đệm, tổng chi phí điều trị hết 17,5 triệu đồng, được thanh toán bảo hiểm 14 triệu đồng. Đây là khoản hỗ trợ rất lớn đối với gia đình còn khó khăn như gia đình anh.

Phấn đấu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,5%

Năm 1995 là năm đầu thành lập BHXH TP. Hà Nội, khi đó toàn thành phố mới chỉ có 552.308 người được cấp thẻ BHYT, bằng 13,9% dân số. Sau 27 năm, đến hết tháng 5/2022, toàn thành phố có trên 7,4 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,73% dân số. Năm 2022, BHXH TP. Hà nội phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT 92,5%, giúp người dân có điều kiện để chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí khám, chữa bệnh.

Trong thời gian qua, BHXH TP. Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển số người tham gia BHYT. Cùng với việc tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của BHYT, phát triển đại lý thu BHXH, BHYT, BHXH thành phố luôn nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân đi khám chữa bệnh, qua đó giúp người dân tin tưởng vào chính sách an sinh xã hội của nhà nước.

Hà Nội: Cơ quan BHXH được đề nghị chi trả hơn 1.000 tỷ đồng mỗi tháng

Toàn TP. Hà Nội hiện có gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trung bình mỗi tháng, các cơ sở này đón tiếp, phục vụ khoảng trên 500.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị BHYT với số tiền đề nghị cơ quan BHXH chi trả là hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, một số trường hợp được cơ quan BHXH chi trả kinh phí khám, chữa bệnh lên tới hàng trăm triệu đồng/người.

BHXH thành phố cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong mọi khâu, mọi hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi để gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT trên địa bàn luôn hoạt động thông suốt. Ngoài ra, các cơ sở KCB BHYT đã sử dụng hơn 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế để phục vụ bệnh nhân.

Để quản lý chặt chẽ chi phí KCB, BHXH thành phố đã định kỳ hàng tháng phân tích dữ liệu, đánh giá tình hình chi phí KCB BHYT tại từng cơ sở KCB BHYT, phát hiện các sai sót, trùng lặp trong thanh toán chi phí KCB BHYT; xác định các chỉ số gia tăng bất thường về chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế, số ngày điều trị bình quân; lưu ý tại tất cả các cơ sở KCB trên địa bàn thành phố trước khi triển khai tổ chức giám định...