Hà Nội nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng chính quyền vì dân
Ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận "một cửa" Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội.

100% thủ tục hành chính đã được giải quyết theo cơ chế “một cửa”

Theo Văn phòng UBND TP. Hà Nội, đến nay, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố là 1.894 thủ tục. Trong đó, cấp sở, cơ quan tương đương sở có 1.535 thủ tục, cấp huyện là 252 thủ tục và cấp xã là 107 thủ tục (chưa tính 18 thủ tục lĩnh vực thanh tra gồm khiếu nại, tố cáo, giải quyết đơn thư…).

Hiện có 100% TTHC đã được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tiếp nhận hồ sơ hành chính, các yêu cầu cơ bản đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” đã được các đơn vị quan tâm và thực hiện theo quy định.

Một số đơn vị có cảnh quan sạch đẹp, bộ phận “một cửa” khang trang, hiện đại, như các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính; các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thanh Oai, Quốc Oai, Thanh Xuân, Gia Lâm, Đống Đa, Tây Hồ...

Quyết tâm cao cùng những cách làm cụ thể đã góp phần thúc đẩy việc giải quyết TTHC tại các đơn vị đạt kết quả tích cực. Tiêu biểu như tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, song song với việc lựa chọn cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp nhận và trả kết quả bảo đảm các yêu cầu (có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức quản lý nhà nước, tinh thần trách nhiệm, thái độ đúng mực trong phục vụ nhân dân), sở này đã bố trí bộ phận “một cửa” khang trang, diện tích 60m2 và bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Sở cũng bố trí màn hình cảm ứng phục vụ tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin, TTHC và đo lường khảo sát sự hài lòng; bố trí máy tính và máy scan để hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Tính từ đầu năm đến ngày 6/11/2022, TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 25.571 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 293.853 tỷ đồng (tăng 27% về số lượng doanh nghiệp và tăng 8% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 8.874 doanh nghiệp. Nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn thành phố Hà Nội lên 347.166 doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, 10 tháng năm 2022, sở đã tiếp nhận 33.978 hồ sơ thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Trong đó, số hồ sơ đã giải quyết đúng hạn là 31.763 hồ sơ, số hồ sơ đang giải quyết là 2.215, không có hồ sơ bị quá hạn.

Tại Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội, năm 2022, trên cơ sở rà soát các quyết định công bố TTHC của Bộ TT&TT và Phương án đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở đã được UBND thành phố quyết định, Sở TT&TT đã trình UBND thành phố ban hành Quyết định số 2306/QĐ-UBND ngày 4/7/2022 công bố Danh mục TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực thông tin và truyền thông thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TT&TT Hà Nội.

“Toàn bộ 34 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TT&TT được công khai đầy đủ tại Bộ phận Một cửa, trên website của sở theo quy định” - Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết.

Hà Nội nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng chính quyền vì dân
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Hà Đông.

Tiếp tục đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính

Hiện TP. Hà Nội đang triển khai quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC trong các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tài nguyên và môi trường; tư pháp và thuế. Cùng với đó, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đang triển khai việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo hướng dẫn của Văn phòng UBND thành phố…

Điều đó cho thấy, thành phố luôn quan tâm và có nhiều cách làm thiết thực, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giải quyết TTHC thông suốt, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện cách phục vụ của chính quyền vì dân.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân, năm 2022, công tác cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết TTHC phục vụ công dân, tổ chức tiếp tục được quận duy trì hiệu quả. Quận khuyến khích sáng kiến, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Tiêu biểu là quận chỉ đạo tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình “Các thủ TTHC không chờ” tại UBND 18 phường thuộc quận (trả kết quả giải quyết TTHC ngay, không giấy hẹn), nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ, đem lại sự hài lòng cho công dân, tổ chức, tạo điểm nhấn khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Còn tại Sở TT&TT Hà Nội, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức trong việc giải quyết TTHC. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TT&TT đều được chuẩn hóa theo quy trình ISO và đều được đưa ra giải quyết theo cơ chế “một cửa”. Đặc biệt, Sở TT&TT đã chú trọng đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động nội bộ cơ quan: hạ tầng CNTT ổn định; trang bị đầy đủ máy tính cho công chức viên chức và hệ thống phần mềm phục vụ điều hành tác nghiệp; đặc biệt đã chú trọng ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp...

Thông tin từ UBND quận Hà Đông cho thấy, cấp quận đang thực hiện 280/314 TTHC (trong đó có 9 TTHC do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội quận Hà Đông thực hiện). Số TTHC rút ngắn thời gian là 248/271, đạt tỷ lệ 91,5%. Cấp phường đang thực hiện tối đa là 174/179 TTHC; tỷ lệ trung bình rút ngắn thời gian thực hiện đạt 93%.

Cùng với việc chú trọng đổi mới thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo hướng hiện đại, thành phố Hà Nội luôn xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm và luôn nỗ lực thực hiện ngày càng tốt hơn. Qua đó, công tác cải cách hành chính từng bước đáp ứng mong đợi của người dân, doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, công tác cải cách hành chính thời gian qua của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, hướng đến việc giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp như: duy trì 100% hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng; hải quan điện tử đạt 100%; khai thuế qua mạng đạt 98,4%; nộp thuế điện tử đạt 99,6%; Chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố năm 2021 tiếp tục thuộc nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước… Theo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, một số TTHC đã đạt mức trung bình của các nước OECD. TP. Hà Nội đặt mục tiêu trở thành Trung tâm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của cả nước.