Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Trong những năm gần đây, TP. Hà Nội đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có những chủ trương, chính sách để xây dựng đời sống văn hóa, trong đó có xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Hà Nội: Tháo gỡ nút thắt các dự án văn hóa, thể thao

Dự án bảo tàng Hà Nội, giai đoạn 2 được triển khai xây dựng đã 8 năm
nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, đến tháng 3/2022, toàn thành phố có 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố, 57 thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, 136 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Nhiều thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên qua giám sát của Thường trực HĐND TP. Hà Nội, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần được quan tâm, khắc phục trong thời gian tới. Đó là, các thiết chế văn hóa vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp cần được đầu tư, cải tạo. Chưa có nhiều các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân. Việc đầu tư các công trình bằng nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Việc huy động xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao đạt kết quả chưa cao. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng nhưng việc quản lý, khai thác còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả...

Xã hội hóa các dự án đầu tư
thiết chế văn hóa, thể thao

Trên cơ sở các cơ chế thực hiện xã hội hóa của TP. Hà Nội, hàng năm, các cấp, các ngành đã chủ động kêu gọi các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao tham gia đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm đa dạng hóa các loại hình hoạt động, phục vụ nhu cầu của người dân. Ví dụ, thành phố đang triển khai 45 dự án công viên và khu vui chơi 25.600 tỷ đồng; 44 dự án thể thao 9.824 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến triển khai thực hiện các dự án xã hội hóa: Nhà hát Opera và khu văn hóa đa năng Quảng An (tổng mức đầu tư 11.996 tỷ đồng), Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng). Các rạp chiếu phim hiện đại trong các trung tâm thương mại… TP. Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho 17 bảo tàng trên địa bàn, tập trung ưu tiên để hình thành một số bảo tàng chuyên đề giới thiệu nghề truyền thống, bảo tàng nghệ thuật, cách mạng kháng chiến, cổ vật, lưu niệm danh nhân…

Ví dụ, đến nay thành phố còn thiếu 45/259 nhà văn hóa theo rà soát; trong đó còn 23 nhà văn hóa còn chưa có địa điểm triển khai, 17 nhà văn hóa chưa có thủ tục bố trí vốn. Thậm chí, một số công trình, dự án còn chậm triển khai do nhiều vướng mắc. Điển hình như Dự án Bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2 triển khai xây dựng 8 năm vẫn chưa hoàn thành; Dự án Công viên Văn hóa thể thao quận Đống Đa được phê duyệt từ năm 2001, đến nay hơn 20 năm vẫn chậm triển khai…

Dành nguồn lực từ đầu tư công, thực hiện chính sách xã hội hóa

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại trong đầu tư, khai thác, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng chính quyền về hoàn thiện, sử dụng và khai thác các thiết chế văn hóa tại một số nơi chưa quyết liệt, chưa đúng mức. Việc phối hợp các sở, ngành còn chưa tích cực. Nguồn kinh phí để thực hiện việc này vẫn còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Nguồn ngân sách cấp huyện để đầu tư thiết chế văn hóa chưa được đầu tư đồng đều, đồng bộ…

Ngoài ra, trong quá trình hội nhập quốc tế, xu thế phát triển văn hóa có sự thay đổi, một số thiết chế không còn phù hợp, không thu hút được đông đảo người dân tham gia. Quỹ đất tại các khu vực nội thành còn hạn chế…

Để khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian tới, UBND TP. Hà Nội tiếp tục tăng cường tập trung quy hoạch tổng thể thiết chế văn hóa cơ sở.

Đáng chú ý, thành phố sẽ quan tâm dành quỹ đất cho các thiết chế văn hóa và thể thao. Đồng thời, sẽ dành nguồn lực từ đầu tư công, thực hiện chính sách xã hội hóa. Hà Nội cũng sẽ bố trí ngân sách trong kế hoạch hàng năm để đầu tư xây dựng (bao gồm cả đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng nghiệp vụ) và nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa, tăng cường quy chế quản lý sau đầu tư.

Hà Nội tăng đầu tư cho phát triển văn hóa

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn TP. Hà Nội. Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố.

Theo đó, TP. Hà Nội xác định mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là xây dựng và phát triển văn hóa, người Hà Nội toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động của phát triển kinh tế xã hội, thiên tai, dịch bệnh và những tác động khác.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị, nông thôn, các đối tượng xã hội và đồng bào dân tộc.

Phát triển văn hóa trên cơ sở bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội - Thành phố sáng tạo; quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới. Tăng đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung, trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô để trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Hà Nội là một trong các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu, có thương hiệu và là thành phố sáng tạo có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Có cơ chế chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người Hà Nội.