Hà Nội ưu tiên đầu tư lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Chất lượng giáo dục được cải thiện về chương trình giảng dạy, áp dụng công nghệ mới. Ảnh tư liệu.

Thu hút nguồn lực từ xã hội hóa

Đánh giá tình hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, đối với hoạt động giáo dục và đào tạo, thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cấp nhiều trường học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục chất lượng cao và hiện đại.

Chất lượng giáo dục được cải thiện về chương trình giảng dạy, áp dụng công nghệ mới và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên. Một số trường đại học và học viện tại Hà Nội đã đạt được thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc gia và quốc tế.

Theo đó, đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập, đến tháng 7/2024, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố đạt 79,6%. Mỗi xã, phường, thị trấn có trường công lập theo tiêu chí: 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở, đảm bảo 3-5 vạn dân có 1 trường trung học phổ thông (THPT), đáp ứng chỉ tiêu tối thiểu tại Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 5/4/2012 của HĐND thành phố và Quy hoạch mạng lưới trường học TP. Hà Nội. Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý và đầu tư xây dựng trường học cho UBND cấp huyện nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải quyết các dự án.

Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ngoài công lập, trên địa bàn thành phố có 151 dự án đầu tư xây dựng trường học nguồn vốn ngoài ngân sách (vốn đầu tư trong nước) được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng.

Công tác xã hội hóa giáo dục đào tạo trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực. Số trường tư thục tăng cả về số lượng và chất lượng, số trường tư thục chiếm 20,5%, số học sinh chiếm 14,8%, với 24.148 giáo viên, 8.000 nhân viên đã tạo việc làm cho lực lượng lao động với mức thu nhập và các chế độ, chính sách ưu đãi tương đương, hoặc hơn mức thu nhập tại các trường công lập, mỗi năm thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách khoảng gần 2.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyển sinh, đào tạo cho 246.100 lượt người. 7 tháng năm 2024, các đơn vị đã tuyển sinh, đào tạo 132.900 người, đạt hơn 56% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ từ 70 - 80%. Một số ngành nghề học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100%. Thành phố có khoảng 67 dự án đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (vốn đầu tư trong nước) được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 10.684 tỷ đồng.

Lắng nghe và cùng tháo gỡ kịp thời

Có thể thấy, những năm qua, TP. Hà Nội đã có những bước tiến quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư và phát triển các dự án giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Ví dụ, đến nay các trường học công lập trên địa bàn thành phố còn thiếu do chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt, hoặc thiếu đất để xây dựng trường, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành; các quỹ đất mới, đất trống để bổ sung trên địa bàn không còn... Về trường học ngoài công lập, việc tiếp cận quỹ đất sạch để xây dựng trường học tư thục đối với các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực giáo dục còn gặp nhiều khó khăn.

Nắm bắt kịp thời các vướng mắc trong hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực này.

Cụ thể, UBND thành phố đã phê duyệt toàn bộ 68/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (cấp 1): Tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đô thị trung tâm đạt 99,8%. Trong đó, việc bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng hệ thống THPT đảm bảo các tiêu chí theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam trước đây và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng hiện hành. Rà soát tình hình thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị và tiến độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trong khu đô thị, bao gồm trường học.

Ngoài ra, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cho các dự án thuộc kế hoạch 3 lĩnh vực (giáo dục, y tế, di tích) nhằm nâng cao vị thế và tăng hiệu quả kinh tế của hoạt động giáo dục, đào tạo, thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong đó có hoạt động đầu tư đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo để lắng nghe, hiểu rõ hơn về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt và cùng nhau thảo luận về các vấn đề như chính sách hỗ trợ, cơ chế giải quyết thủ tục hành chính và các yêu cầu về tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực này.

Nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, với tinh thần coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai. Thành phố đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục… nhằm nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục của Thủ đô.