Hải quan Bình Dương

Cán bộ hải quan hỗ trợ DN hoàn thiện thủ tục nhập khẩu. Ảnh: Hải Anh

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế một cửa và đơn giản kiểm tra chuyên ngành

Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chung của Chính phủ tại Nghị quyết 02/NQ-CP, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm nâng cao xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, Tổng cục Hải quan tập trung và triển khai quyết liệt một số mục tiêu, nội dung quan trọng.

Đồng thời, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa Quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, trong năm 2020, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa ASEAN theo hướng xử lý tập trung.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong Chính phủ đặt ra một loạt các chỉ tiêu cụ thể gồm: Nâng xếp hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh lên 10 - 15 bậc; nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội lên 7 - 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên 7 - 10 bậc; cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số tiếp cận điện năng; nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới lên 5 - 10 bậc...

Tiếp tục triển khai cơ chế một cửa ASEAN, nâng cao hiệu quả trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu với các nước ASEAN. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm được phân công về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN quy định tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP.

Tổng cục Hải quan cũng sẽ báo cáo Bộ Tài Chính, trình Chính phủ Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục tích cực nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN).Đẩy mạnh cải cách quy định hành chính, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; cải cách mạnh mẽ hoạt động KTCN theo hướng xã hội hóa, chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang sau thông quan.

Cải cách thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; chủ trì xây dựng và triển khai “Đề án đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Việt Nam” theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch,...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Tham mưu cho Bộ Tài chính chủ động đôn đốc, phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thành việc rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc Danh mục mặt hàng KTCN và công bố công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của Bộ quản lý chuyên ngành về Danh mục với mã HS tương ứng kèm theo bảng so sánh Danh mục mặt hàng quản lý, KTCN trước và sau khi cắt giảm.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan chủ trì theo dõi tình hình, đánh giá kết quả thực hiện cải cách quản lý, KTCN; đánh giá mức độ thay đổi và tác động đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm được phân công liên quan đến công tác KTCN theo quy định tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Nâng hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới

Để nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch hương mại qua biên giới, Tổng cục Hải quan lên kế hoạch thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể, Tổng cục Hải tiến hành rà soát, hoàn thiện tài liệu về chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới; làm việc với các tổ chức quốc tế có liên quan để cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cần thiết về kết quả cải cách trong lĩnh vực hải quan đảm bảo đánh giá, xếp hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới được khách quan, chính xác; thực hiện thông tin đối ngoại để giới thiệu về kết quả đánh giá, xếp hạng hàng năm.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan còn yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: Cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ đơn giản hóa. Với các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa từ năm 2020 trở đi, thực hiện nghiêm việc công bố, công khai theo quy định về kiểm soát thủ tục hành chính.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai hiện đại hóa quy trình quản lý thu nộp thuế giữa cơ quan Tài chính – Thuế - Hải quan – Kho bạc nhà nước; Phối hợp với Kho bạc nhà nước, các ngân hàng thương mại đã ký kết thực hiện dự án phối hợp thu 24/7, đề án chương trình doanh nghiệp nhờ thu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa...

Tổng cục Hải quan yêu cầu tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc cần cụ thể hóa nhiệm vụ được giao, đưa vào chương trình công tác trọng tâm năm 2020 của từng đơn vị để có kế hoạch thực hiện rõ ràng; định kỳ báo cáo kết quả và nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời đề xuất giải pháp tổng thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực hải quan.

Với Kế hoạch hành động cụ thể, cùng với sự đồng lòng quyết tâm cao từ lãnh đạo các cấp đến từng cán bộ, công chức, ngành Hải quan chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2020 góp phần đạt được mục tiêu chung của Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP.

Năm 2020, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan nhằm đạt mục tiêu minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ góp phần giúp người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã đặt nhiệm vụ trong năm 2020 sẽ rà soát, xây dựng trình các cấp có thẩm quyền các văn bản sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định chi tiết Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Hải quan; đồng thời đề xuất giải pháp giải quyết vướng mắc trong việc áp dụng thuế cho nguyên liệu, vật tư dư thừa từ hoạt động sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu.

Ngọc Linh