Hạn chế các thế lực “sân sau”, kỳ vọng từ Luật Các tổ chức tín dụng

Những hàng rào phòng vệ

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã có nhiều nội dung quan trọng, bổ sung nền tảng pháp lý kịp thời cho hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Điều này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH-14 thí điểm về xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Theo đó, Luật Các TCTD được kỳ vọng sẽ mang đến sự an toàn, ổn định và phát triển bền vững cho hệ thống các ngân hàng thương mại.

Trước khi Luật được Quốc hội bấm nút thông qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, bám sát yêu cầu cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống TCTD theo đúng chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội.

Cụ thể về một số nội dung mới, Luật mới ban hành đã quy định cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một TCTD (bao gồm cả sở hữu gián tiếp). Một tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD (bao gồm cả sở hữu gián tiếp). Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một TCTD. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của một TCTD không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một TCTD khác.

Ngoài ra, một trong những nội dung mới khác được đưa vào Luật là cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ phải công bố thông tin về bản thân, tỷ lệ sở hữu, thông tin về người có liên quan và tỷ lệ sở hữu của người có liên quan. Tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan được quy định giảm dần theo lộ trình từ giai đoạn 2024 đến 2029. Theo đó, đến năm 2029 trở đi, tổng dư nợ cho vay đối với 1 khách hàng sẽ không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng, cho vay với 1 khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có.

Kỳ vọng tác động tích cực vào thực tiễn

Đề xuất bổ sung nhiều quy định mới về hoạt động của TCTD - Ảnh 1.

Những nội dung nêu trên đề cập trong Luật được các chuyên gia và thị trường kỳ vọng có thể hạn chế các mối quan hệ lợi ích nhóm, từ đó tạo sự minh bạch cao hơn trong hoạt động ngân hàng.

Theo đánh giá của ông Võ Minh Chiến - Chuyên viên phân tích thuộc Công ty chứng khoán VNDirect, quy định về việc hạn chế sở hữu cổ phần trong TCTD sẽ giúp hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giảm thiểu rủi ro có thể gây tác động đến hoạt động của TCTD. Tương tự, việc giảm tỷ lệ cho vay đối với một khách hàng và người có liên quan giúp đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro đạo đức từ phía khách hàng và rủi ro quá hạn cho TCTD.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, để đáp ứng các yêu cầu mới trong Luật, những ngân hàng đang có tỷ lệ cho vay nhóm khách hàng liên quan vượt tỷ lệ theo quy định mới sẽ gặp áp lực cơ cấu lại khoản vay cho tệp khách hàng này, đồng thời dư nợ tín dụng có thể bị sụt giảm do nhóm khách hàng này phải tìm nguồn vốn khác để tất toán bớt khoản vay hiện hữu.

Ngoài ra, một trong những câu chuyện đặt ra quanh Luật là các yếu tố liên quan giữa lý thuyết và thực tiễn, cụ thể quy định là một chuyện, nhưng Luật có thể bị “lách” như thực tế đã từng xảy thời gian qua. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc AFA Research & Education, cho biết, song hành cùng với hoàn thiện Luật thì việc công bố thông tin và kiểm soát thông tin sẽ cần được chặt chẽ hơn.

Ngay cả câu chuyện cơ quan thanh tra giám sát cũng có thể để “lọt lưới” những vi phạm như từng diễn ra thì đó có thể coi như một công việc “nhặt sạn khi vo gạo”. Ông Long cho biết, khi chúng ta nhặt sạn thì có thể dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn có lúc để lọt sạn và trong việc kiểm soát thực thi pháp luật cũng gần giống như vậy. Tuy nhiên, Luật khi đã được hoàn thiện hơn với các nền tảng pháp lý tốt hơn cũng sẽ giúp cho các cơ quan có công cụ tốt hơn để thực thi việc giám sát, qua đó giảm thiểu được tối đa nhất việc “sạn” có thể lọt.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng gắn với các quy định mới trong Luật Các TCTD là việc định hướng cho ngân hàng nâng cao năng lực quản trị. Đó cũng chính là một trong những yếu tố nền tảng quan trọng giúp chuyên nghiệp hóa các mặt hoạt động của hệ thống quản trị ngân hàng và khi ngân hàng được quản trị tốt thì chính bản thân ngân hàng sẽ nâng cao năng lực tự giám sát trong việc hài hòa lợi ích giữa các nhà quản trị, khách hàng và cổ đông.

Những nội dung mới được đưa vào luật

Luật Các TCTD mới ban hành đã quy định cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một TCTD (bao gồm cả sở hữu gián tiếp). Một tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD (bao gồm cả sở hữu gián tiếp). Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một TCTD.