Lợi nhuận âm, cổ phiếu SJF tuột dốc

Sao Thái Dương hiện có vốn chủ sở hữu 830 tỷ đồng là doanh nghiệp sản xuất tre ép và các sản phẩm nông nghiệp công nghệ sinh học và thương mại nông sản.

Hé mở các khoản cho vay cá nhân không tài sản đảm bảo của SJF
Sao Thái Dương cung cấp các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Ảnh: T.L

Cổ phiếu SJF niêm yết trên sàn HOSE từ tháng 7/2017 và trong diễn biến khoảng 6 tháng trở lại đây, SJF đang là một trong những cổ phiếu có xu hướng giá giảm nhiều nhất trên sàn chứng khoán. Cụ thể, thị giá cổ phiếu này vào cuối tháng 3/2022 còn ở mặt bằng trên 17.000 đồng/cổ phiếu, nhưng liên tục đà giảm sâu, tới tháng 6/2022 chỉ còn khoảng trên 7.000 đồng/cổ phiếu. Từ tháng 6 đến nay, đà giảm tuy có chậm lại, nhưng sức cầu vẫn còn rất yếu và hiện mặt bằng giá cổ phiếu chỉ quanh mức khoảng trên 5.000 đồng/cổ phiếu.

Doanh nghiệp ngành nông nghiệp công nghệ sinh học

Công ty cổ phần đầu tư Sao Thái Dương (SJF) được thành lập năm 2012 với mục đích ban đầu là cung cấp các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp (mỹ phẩm, tóc..) có nguồn gốc từ thiên nhiên (thảo dược hay hữu cơ như Sakura, Ecoparadise..) từ các thị trường phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc..) về thị trường Việt Nam.

Theo thông tin từ báo cáo thường niên của doanh nghiệp này, từ năm 2015, công ty đã cùng các đối tác Nhật Bản thử nghiệm áp dụng một số công nghệ vi sinh tiên tiến vào lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi nhằm tìm ra công nghệ thích hợp nhất, hiệu quả nhất cho sản xuất nông nghiệp sạch.

Đà đi xuống của cổ phiếu SJF hoàn toàn không khó lý giải trước bối cảnh kinh doanh không được thành công cho lắm của doanh nghiệp này trong nửa đầu năm 2022.

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bán niên năm 2022, Sao Thái Dương chỉ ghi nhận doanh thu 39 tỷ đồng, sụt giảm rất mạnh so với kết quả doanh thu 275 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021. Doanh thu giảm mạnh, nhưng đáng chú ý là chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty này lại tăng vọt lên tới gấp gần 9 lần so với cùng kỳ năm trước với 20,2 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp nửa đầu năm 2021 chỉ chưa đến 2,3 tỷ đồng.

Với diễn biến doanh thu giảm và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, công ty không tránh khỏi tình trạng thua lỗ với kết quả lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là âm gần 17 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp âm gần 18 tỷ đồng. Trước đó trong nửa đầu năm 2021, công ty cũng đã thua lỗ gần 7,9 tỷ đồng, nhưng tình trạng thua lỗ đã sâu hơn so với năm trước khá nhiều.

Những khoản cho vay không tài sản đảm bảo

Đi sâu vào “giải mã” lý do về chi phí quản lý doanh nghiệp bất ngờ vọt tăng mạnh trong bối cảnh thu sụt giảm mạnh thì câu trả lời là do doanh nghiệp đã phải tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi khá lớn trong kỳ 6 tháng đầu năm 2022.

Hé mở các khoản cho vay cá nhân không tài sản đảm bảo của SJF
Diễn biến giá cổ phiếu SJF trong 6 tháng qua

Trên bảng cân đối kế toán, mức trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tại thời điểm đầu năm chỉ là 261 triệu đồng, nhưng đã tăng vọt lên hơn 18 tỷ đồng vào giữa năm 2022. Theo đó, các con số trích lập này đã trở thành nguyên nhân chính dẫn đến con số thua lỗ khá sâu của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2022.

Sở hữu Nhà máy ép tre công nghiệp lớn nhất Việt Nam

Sao Thái Dương là chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất tre ép tấm tại Cụm công nghiệp Chiềng Châu, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình (Nhà máy BWG Mai Châu). Tổng mức đầu tư của dự án này là 253,9 tỷ đồng. Nhà máy này được Sao Thái Dương đầu tư thông qua công ty con là Công ty cổ phần BWG Mai Châu, công ty con này có vốn điều lệ 280 tỷ đồng, trong đó Sao Thái Dương nắm 96,54% cổ phần tại công ty này.

Theo giới thiệu của Sao Thái Dương, Nhà máy BWG Mai Châu có công suất lớn nhất Việt Nam về tre ép công nghiệp (100 nghìn m3/năm) và tre ép nội thất 20 nghìn m3/năm.

Về số liệu của các khoản phải thu ngắn hạn của Sao Thái Dương. Phải thu của khách hàng ở mức không quá lớn, và có xu hướng giảm trong nửa đầu năm 2022. Cụ thể, chỉ tiêu này giảm từ 268 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 175 tỷ đồng vào giữa năm. Tuy nhiên, “nổi cộm” lên trong khoản mục phải thu ngắn hạn lại là các con số về cho vay ngắn hạn, với giá trị tăng mạnh từ 277 tỷ đồng hồi đầu năm lên 372 tỷ đồng vào giữa năm. Các con số này cho thấy trong bối cảnh thua lỗ, nhưng Sao Thái Dương cũng vẫn “hào phóng” rải tiền cho vay và nhiều khoản cho vay là cho vay cá nhân và không có tài sản đảm bảo.

Khoản Sao Thái Dương cho vay lớn nhất là khoảng 163 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Cát Tường Thiên Tân Lạc vay 12 tháng, lãi suất 8%. Trong hợp đồng vay vốn giữa 2 bên, số tiền mà Sao Thái Dương cho Cát Tường Thiên Tân Lạc vay có thể hoán đổi thành vốn góp của Sao Thái Dương vào Cát Tường Thiên Tân Lạc, trong trường hợp công ty này tăng vốn điều lệ. Sao Thái Dương cũng cho Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế Bình Minh Việt vay số tiền hơn 29 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng, lãi suất 8%/năm, không có tài sản đảm bảo.

Không những cho các tổ chức vay, Sao Thái Dương còn khá rộng rãi với cả việc cho vay các cá nhân, với tổng số tiền cho các cá nhân vay cũng lên tới 167,4 tỷ đồng, phần lớn là các khoản vay không có tài sản đảm bảo và lãi suất thường vào khoảng 7% - 8%/năm.

Một số cá nhân đang có nợ vay với Sao Thái Dương (hoặc với công ty con) có thể kể đến là Nguyễn Thị Thu Phương, Nguyễn Thị Tuyền, Phạm Văn Trường, Đào Thị Nga… Mục đích cho vay các cá nhân này là để phục vụ nhu cầu vốn kinh doanh./.