Cải cách mạnh mẽ thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư. Ảnh tư liệu |
Đây là một quan điểm được tại Hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” do Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức sáng 23/8.
Chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế lớn chưa từng có
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, trong hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 39 vừa qua, bối cảnh thế giới trải qua rất nhiều biến động về dịch bệnh, xung đột vũ trang. Để đối phó với những khó khăn này, các quốc gia đã bỏ ra nguồn lực rất lớn qua nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ chưa từng có, với giá trị ước tính khoảng 16,4% GDP.
TS. Cấn Văn Lực trình bày tham luận tại hội thảo. |
Ở Việt Nam, chúng ta cũng đưa ra hàng loạt các chính sách chưa từng có tiền lệ, trải dài từ năm 2020 đến nay, đặc biệt là với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế năm 2022 - 2023 với những chính sách được thiết kế công phu. Kết quả là kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh, trên 8% trong năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng tích cực trong các năm tiếp theo, an sinh xã hội được đảm bảo.
Xét trong lĩnh vực tài khóa, TS. Cấn Văn Lực nhận xét, các chỉ tiêu về tài khóa theo Nghị quyết 39 đã được thực hiện rất tốt như: nợ công, bội chi, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài…
Cần cơ chế, chính sách tổng thểViệt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần đạt mức tối thiểu từ 6-6,5% liên tục trong vòng 20 năm tới đây. Để hỗ trợ cho mỗi bước dịch chuyển sang nấc thang mới này là các cơ chế, chính sách để huy động quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế. |
Điểm nhấn của chính sách tài khóa trong hơn 5 năm qua là đã triển khai các gói tài khóa hỗ trợ lớn, như miễn giảm, giãn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong giai đoạn từ năm 2020 - 6 tháng 2024 lên tới 754,3 nghìn tỷ đồng… Hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn, giảm giá điện, hỗ trợ cước viễn thông, hoãn đóng bảo hiểm xã hội…
Cùng với đó, cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) chuyển dịch theo hướng bền vững hơn. Đầu tư công được tăng cường, tạo lan tỏa tới khu vực tư nhân và FDI.
Về các nguồn lực đầu tư, trong khi nguồn vốn đầu tư công tăng trưởng khá tốt, FDI tích cực, thì đầu tư tư nhân lại tăng trưởng rất thấp. Điều này đặt ra vấn đề phải có giải pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Cùng với chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ - tín dụng giai đoạn 2019 - 2024 đã triển khai nhiều giải pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ trong đại dịch Covid-19 và giai đoạn 2023 - 2024. Giảm lãi suất điều hành 3 lần trong năm 2020 và 4 lần trong năm 2023, giảm lãi suất cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát tỷ giá, điều chỉnh biên độ giao dịch, đáp ứng biến động của tỷ giá. Hạn mức tăng trưởng tín dụng tiếp tục được sử dụng; dòng vốn tín dụng hướng vào các lĩnh vực quan trọng, một số chương trình, gói tín dụng ưu đãi…
Ngoài ra còn các nguồn lực khác là trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán. Vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm có sự tăng trưởng nhanh, lên tới 56% năm 2020 và 42% năm 2022.
Tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn
Bên cạnh kết quả, vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức mà vấn đề chính là dù khá nhiều chính sách hỗ trợ được tung ra, nhưng thực thi còn chậm hoặc không thực thi được. Thể chế, chính sách pháp luật về đầu tư công, đầu tư PPP chưa thực sự đồng bộ, thống nhất; đôi khi đa mục tiêu hoặc không rõ mục tiêu.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Đức Hiển, khi sơ kết về việc triển khai Nghị quyết 39, một trong nội dung cần đánh giá là xem xét có quá nhiều đề án, chương trình hay không? Trong khi nguồn lực có hạn, phân bổ nguồn lực cho các chương trình, mục tiêu thì nhỏ, tản mạn, vụn vặt. "Ví dụ ta có chủ trương ưu tiên cho ngành cơ khí để thúc đẩy công nghiệp hóa, nhưng 15 năm chi 171 tỷ đồng cho ngành cơ khi thì không bao giờ công nghiệp hóa thành công", ông Nguyễn Đức Hiển nói. |
Hiệu quả đầu tư khu vực nhà nước còn thấp, hệ số ICOR còn ở mức cao. Giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều chương trình, gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi còn chậm và không đồng đều giữa các địa phương, cấu phần.
Cơ cấu phân bổ vốn đầu tư của khu vực nhà nước có xu hướng sụt giảm, chậm cải thiện ở một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như công nghệ chế biến, chế tạo, xây dựng, giáo dục, y tế, văn hóa… Tỷ trọng thu từ đất, kinh doanh chứng khoán, chuyển nhượng vốn tăng và tương đối cao, vốn là điều không bền vững.
Đối với chính sách tiền tệ, thách thức là điều hành chính sách tiền tệ khó khăn hơn khi độ mở nền kinh tế lớn và xu hướng thay đổi nhanh. Đặc biệt, các chính sách ôm đồm quá nhiều mục tiêu như vừa kiểm soát lạm phát, đảm bảo an ninh tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định tỷ giá…
Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại hội thảo. |
Chất lượng tài sản, vấn đề tăng vốn của các tổ chức tín dụng còn là thách thức; ảnh hưởng đến khả năng cung ứng tín dụng. Kênh dẫn vốn của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng còn thấp. Tín dụng chính sách chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng khả năng cung ứng tín dụng.
Đặc biệt, cơ cấu lại nền kinh tế quá chậm, không đạt mục tiêu nên phân bổ, huy động nguồn lực không hiệu quả, từ đó khiến chất lượng tăng trưởng không cao, phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung phân tích, đánh giá những kết quả, bất cập trong huy động, sử dụng nguồn lực giai đoạn vừa qua. Từ đó, đề xuất, kiến nghị những giải pháp để khắc phục, khơi thông và phát huy hiệu quả nguồn lực.
Trong đó những giải pháp được nhấn mạnh là cải cách mạnh mẽ thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh để đẩy mạnh đầu tư, gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. Đa dạng hóa nguồn vốn cho đầu tư phát triển qua việc đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại quỹ trong và ngoài ngân sách; đồng bộ hóa huy động và phân bổ nguồn lực.
Nhiều chuyên gia chỉ ra, những dự án bị ngừng trệ, bỏ hoang, thua lỗ nhiều năm qua cũng là sự lãng phí nguồn lực rất lớn, nếu quyết tâm tháo gỡ được sẽ là nguồn lực lớn đóng góp cho phát triển kinh tế.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, phải có giải pháp đột phá mới có thể có kết quả đột phá. Để chọn giải pháp đột phá cần chấp nhận sự đánh đổi. Hiện nay, chính sách đang phải gánh quá nhiều mục tiêu, khiến các nguồn lực bị phân mảnh, dàn trải, từ đó các mục tiêu được thực hiện nhưng thực hiện nửa vời.
Hoàn thiện chính sách để khơi thông nguồn lực Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Nghị quyết 39 có một số điểm nhấn quan trọng về quan điểm. Đó là đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, thúc đẩy thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Áp dụng nguyên tắc thị trường trong quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển. Đẩy mạnh kinh tế hóa nguồn vật lực, trong đó tập trung vào nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Nhóm giải pháp chung được đề ra là sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực của đất nước. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở tăng cường năng lực phân tích, đánh giá, dự báo trên các lĩnh vực. Chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin về các nguồn lực trong nền kinh tế để sử dụng tối ưu và hiệu quả; phân phối chia sẻ và tái sử dụng có hiệu quả các nguồn lực dư thừa, làm gia tăng giá trị các nguồn lực của nền kinh tế. |