Hiệu quả rõ nét từ những phiên giao dịch việc làm và tư vấn hướng nghiệp
Tư vấn tuyển sinh, tuyển dụng, xuất khẩu lao động tại ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp quận Cầu Giấy năm 2022. Ảnh: QT

Giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động

Là một huyện ngoại thành, ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, huyện Đông Anh hiện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án lớn trọng điểm của thành phố đã và đang được thực hiện trên địa bàn. Song song với công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư các dự án, nhu cầu của người dân để chuyển đổi từ lao động sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp là rất lớn.

Thêm vào đó, trên địa bàn huyện hiện có trên 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh nên nhu cầu về tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sở đào tạo tăng, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động ngày càng cao.

Trong tháng 10/2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 23 phiên giao dịch việc làm với 670 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 14.003 người; tổng số lao động được phỏng vấn 4.586 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên 1.653 lao động.

Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, các phiên giao dịch việc làm và tư vấn hướng nghiệp là điều kiện thuận lợi cho người lao động trên địa bàn huyện và các vùng lân cận được hỗ trợ về thông tin thị trường lao động, học nghề, xuất khẩu lao động.

Trước đó, từ tháng 3 năm 2022, UBND huyện Đông Anh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội và Thành đoàn Hà Nội tổ chức thành công phiên giao dịch việc làm thanh niên. Kết quả đã có 2.500 lượt lao động, học viên, sinh viên được tư vấn, giới thiệu việc làm, phổ biến chính sách pháp luật và cung cấp thông tin thị trường lao động; 1085 lượt người tham gia phỏng vấn tuyển dụng; 425 người được tuyển dụng tại phiên giao dịch.

“Điều đó cho thấy hiệu quả của việc tổ chức các phiên giao dịch hàng năm trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của huyện Đông Anh nói riêng và TP. Hà Nội nói chung. Đây là việc làm hết sức cần thiết và cần phải làm thường xuyên liên tục” - Phó Chủ tịch huyện Đông Anh chia sẻ.

Còn tại quận Cầu Giấy, theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà, quận Cầu Giấy đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là thực hiện tốt chương trình vay vốn quốc gia giải quyết việc làm. Năm 2022, tính đến thời điểm này, quận đã thực hiện được 478 dự án với số tiền là hơn 79,4 tỷ đồng, thu hút trên 3.000 lao động. Đến nay, tổng số lao động được hỗ trợ giải quyết việc làm của toàn quận là 5.859/6.000 người, đạt 97,8% kế hoạch năm 2022.

Ngày 29/10 vừa qua, tại 215 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy), Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp cùng UBND quận Cầu Giấy tổ chức Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp quận Cầu Giấy năm 2022. Với 46 đơn vị đăng ký 2.853 chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển dụng, xuất khẩu lao động, đây thực sự là cơ hội thuận lợi dành cho người lao động lựa chọn những công việc, ngành nghề phù hợp với khả năng hiện có; đồng thời, các doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn lao động tốt nhất đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Trưởng phòng Nhật Bản II (Công ty Hoàng Long CMS, Tập đoàn JHL Việt Nam) Hoàng Thị Hưởng cho biết: “Tham gia ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp quận Cầu Giấy năm 2022, chúng tôi đăng ký tuyển sinh, tuyển dụng các ứng viên cho các doanh nghiệp Nhật Bản, với các ngành nghề thực phẩm, may mặc, đóng gói, cơ khí, gia công, cơ khí, hàn robot, tiện… Hàng tháng, chúng tôi đều tuyển hàng trăm ứng viên đi làm việc Nhật Bản diện thực tập sinh kỹ năng, hợp đồng thường là 3 năm và có thể gia hạn nhiều lần, từ 5 đến 15 năm”.

Hiệu quả rõ nét từ những phiên giao dịch việc làm và tư vấn hướng nghiệp
Phiên giao dịch việc làm huyện Đông Anh lần thứ 2 năm 2022 thu hút trên 2.000 vị trí việc làm cùng rất nhiều học sinh THPT tham gia hoạt động hướng nghiệp. Ảnh: QT

Đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh, với nỗ lực của Cầu Giấy nói riêng và các đơn vị, quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội nói chung, kết quả 10 tháng đầu năm 2022 đã giải quyết việc làm cho 183.027/160.000 lao động, đạt 114,4% kế hoạch giao trong năm, tăng 46.411 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 34% so với 10 tháng đầu năm 2021. Đó thực sự là con số ấn tượng, cho thấy Hà Nội đã hỗ trợ giải quyết việc làm, kết nối thị trường lao động thực sự hiệu quả.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, để có được kết quả tích cực nêu trên, cũng như đảm bảo được các mục tiêu đã đề ra tại Kế hoạch “về việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022”, trước đó, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của thành phố, các địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại, cũng như xu hướng phát triển và tác động kinh tế trong thời gian tới, xu hướng dịch chuyển ngành nghề sau dịch Covid-19 nhằm tìm ra những chính sách mới phù hợp để bảo đảm việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, sở này cũng đã triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết việc làm; hoàn thiện mạng lưới thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động từ thành phố tới địa phương thông qua việc tổ chức đồng bộ hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội; đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực, báo cáo xu hướng về tình trạng việc làm, xu hướng nghề nghiệp, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và các ngành nghề đang phát triển thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Có thể thấy, các hoạt động tại ngày hội việc làm đã góp phần hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy thị trường lao động của Thủ đô phát triển, giúp người lao động tìm được việc làm, nơi học nghề phù hợp với nguyện vọng và năng lực; đồng thời, giúp các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Trong tháng 10/2022, TP. Hà Nội ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền 151 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho hơn 3 nghìn lao động; có 1,6 nghìn người nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; có 9,9 nghìn người được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác.