Hiểu rõ thị trường, thêm cơ hội thành công cho doanh nghiệp xuất khẩu
Nhiều sản phẩm OCOP đã tiếp cận được thị trường xuất khẩu. Ảnh tư liệu

Doanh nghiệp lúng túng trước quy định mới về thị trường

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết tháng 4/2024, cả nước có hơn 13.000 sản phẩm (OCOP). Mỗi xã một sản phẩm, trong đó gần 74% sản phẩm đạt 3 sao, gần 25% sản phẩm đạt 4 sao, 0,3% sản phẩm đạt 5 sao và còn lại là sản phẩm có tiềm năng 5 sao.

Nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường xuất khẩu hướng đến cả những thị trường khó tính, có giá trị cao. Sản phẩm OCOP cũng đã bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch nông thôn.

Đáng chú ý, nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như miến dong Tài Hoan (Bắc Kạn), cà phê Bích Thao (Sơn La), đường thốt nốt Palmania (An Giang), gạo ST24 (Sóc Trăng), gạo đặc sản Thiên Vương (An Giang), chè hữu cơ Bản Liền (Lào Cai), miến dong Việt Cường (Thái Nguyên), mắm tôm Lê Gia (Thanh Hóa)… đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Đan Mạch, Séc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc Việt Nam tham gia WTO trong 17 năm qua cùng với hoạt động đàm phán, mở cửa thị trường, thực thi 17 FTA khác nhau đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho hàng hoá Việt Nam. Đặc biệt, các mặt hàng nông lâm thuỷ sản cũng được cắt giảm thuế, thậm chí nhiều mặt hàng còn được hưởng thuế suất 0%. Nếu nắm bắt tốt các quy định thị trường cũng như thủ tục xuất nhập khẩu sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Hiểu rõ để đứng vững ở thị trường xuất khẩu

Không chỉ các sản phẩm OCOP, nhiều ngành hàng khác của Việt Nam cũng đang đứng trước thực trạng khó "chen chân" vào được thị trường xuất khẩu hoặc bị sụt giảm đơn hàng bởi không nắm rõ được các quy định của thị trường và chưa tận dụng được hết các cơ hội từ các FTA đã ký kết mà nguyên nhân chính là hiểu biết hạn chế về các quy định về phòng vệ thương mại.

Ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh, trong rất nhiều vụ kiện, doanh nghiệp rơi vào tình thế bất lợi do thiếu thông tin về nguồn gốc xuất xứ cũng như thống kê, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề giám sát nguyên liệu đầu vào, ghi vào sổ sách tất cả vùng nguyên liệu thu mua phục vụ chế biến để minh chứng trong trường hợp cần kiểm tra hay truy xuất lại lô hàng liên quan đến kiểm tra mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Các doanh nghiệp dù nhỏ đến đâu cũng phải hết sức lưu ý đến điều này. Có thể doanh nghiệp không hoàn toàn áp dụng các quy định cao nhưng nên có hệ thống ghi chép đầy đủ thông tin về nguyên liệu đầu vào, hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm... để trong bất cứ trường hợp nào, khi có vấn đề về mất vệ sinh an toàn thực phẩm hay liên quan đến truy xuất sản phẩm doanh nghiệp có cái để chứng minh” - ông Hòa khuyến nghị./.