Quyết tâm thực thi thuế tối thiểu

Tại Thông điệp Liên bang đầu tiên gửi tới Quốc hội Hoa Kỳ kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu 15% đối với các công ty toàn cầu khi phê phán các công ty lớn đã có một lịch sử lâu dài về tránh thuế thu nhập liên bang. “Ngay cuối năm ngoài, 55 công ty trong danh sách của Tạp chí Fortune 500 kiếm được 40 tỷ USD lợi nhuận, nhưng không nộp một đồng thuế thu nhập liên bang nào. Điều này thực sự không công bằng” - Thông điệp nêu rõ.

Fortune 500 là danh sách xếp hạng các công ty có doanh thu lớn nhất và được cập nhật hàng năm bởi Tạp chí Fortune. Trong bản cập nhật năm 2021, Fortune đã thông báo 55 công ty Hoa Kỳ thuộc danh sách không nộp thuế thu nhập liên bang, chủ yếu do lợi dụng khe hở do sự khác biệt giữa thu nhập theo số sách (book income) và thu nhập chịu thuế (taxable income).

Hoa Kỳ đề xuất áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%
Chính phủ của Tổng thống Joe Biden quyết tâm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%. Ảnh minh họa.

Thu nhập theo số sách phản ánh một bức tranh tổng hợp về tình hình tài chính của một công ty, giúp cổ đông đánh giá sức khỏe của công ty và được xác định trên cơ sở các nguyên tắc kế toán chấp nhận chung (Generally Accepted Accounting Principles - GAAP). Trong khi đó, thu nhập chịu thuế được xác định là chênh lệch giữa thu nhập theo số sách với chi phí và các khoản được trừ khác.

Trong hệ thống nêu trên, một số công ty có lãi khi kê khai báo cáo tài chính theo thu nhập số sách với Ủy ban Ngoại tệ và Chứng khoán Hoa Kỳ (Securities and Exchange Commission - SEC), nhưng có thể kê khai không lãi với Cục thu Nội địa (Inland Revenue Service -IRS).

Theo các chuẩn mực của IRS, các công ty có thể được trừ một số loại chi phí nhất định khi xác định thu nhập chịu thuế, như các khoản đầu tư để xây dựng các nhà máy mới, hoặc các khoản thanh toán cho quyền lựa chọn cổ phiếu của người lao động. Tổng cộng các khoản chi phí được trừ này giúp các công ty giảm đáng kể mức thu nhập chịu thuế.

Nhưng kế hoạch của Tổng thống Joe Biden về mức thuế tối thiểu 15% sẽ thay đổi điều đó bằng cách áp dụng một khoản thu đối với thu nhập theo sổ sách thay vì thu nhập chịu thuế. Mức thuế tối thiểu 15% cũng tìm cách ngăn cản các công ty tránh thuế thông qua các khoản thu nhập hải ngoại phát sinh tại các quốc gia, vùng lãnh thổ có chế độ thuế thuận lợi hơn Hoa Kỳ. “Chúng ta đã có hơn 130 nước đồng ý về thuế tối thiểu toàn cầu, do đó, các công ty không thể tránh khỏi việc nộp thuế tại nước mình bằng cách chuyển việc làm và nhà máy ra nước ngoài” - Tổng thống Biden khẳng định.

Buộc các công ty đa quốc gia phải nộp thuế tối thiểu 15%

Hưởng ứng thông điệp liên bang của Tổng thống, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đề xuất một cơ chế mới để áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% thông qua việc từ chối khấu trừ thuế đã nộp tại các quốc gia, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn 15%.

Theo đó, nguyên tắc mới về lợi nhuận chịu thuế thấp (Undertaxed Profits Rule) được đề xuất như một phần của kế hoạch ngân sách năm tài chính 2023 sẽ thay thế nguyên tắc hiên hành về chống lợi dụng xói mòn cơ sở thuế (Base Erosion Anti-Abuse Tax - BEAT) với một hệ thống mới và sẽ vận hành như một sắc thuế bổ sung (top-up tax) để đảm bảo rằng, các công ty đa quốc gia phải nộp thuế theo mức thuế suất thực tế 15%.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và 136 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên, trong đó có Việt Nam trong Tuyên bố thuế tối thiểu toàn cầu đang gấp rút chuẩn bị các bước cần thiết để ký kết một hiệp định đa phương vào năm 2022, sẽ được thực thi từ 2023. Để sẵn sàng cho kế hoạch này, Hoa Kỳ đã chuẩn bị các cải cách cần thiết. Kế hoạch này được cho là sẽ góp phần xóa bỏ các thiên đường thuế ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.

Một đặc điểm cơ bản của nguyên tắc này do Bộ Tài chính đề xuất, là sẽ tạo ra nguồn thu bổ sung cho ngân sách thông qua từ chối các khoản được trừ đối với các công ty đã và đang nộp thuế với mức thuế suất thấp hơn 15%.

Đối với các công ty con tại Hoa Kỳ của các công ty nước ngoài lợi dụng các khoản được trừ tại Hoa Kỳ để hạ thấp mức thuế suất thực tế xuống dưới 15%, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung một khoản thuế nội địa để bù đắp chênh lệch tại Hoa Kỳ, thay vì dành quyền đó cho các nước sở tại của công ty nước ngoài.

Hiện Bộ Tài chính đã sẵn sàng làm việc với Quốc hội để đảm bảo rằng, các quy định hiện hành của Hoa Kỳ về các lợi ích của khấu trừ thuế Hoa Kỳ và các ưu đãi khác của các công ty Hoa Kỳ được bảo vệ. Kế hoach mới sẽ áp dụng với các công ty có doanh thu toàn cầu trên 850 triệu USD hoàn toàn phù hợp với cái được gọi “các nguyên tắc mẫu” về thuế tối thiểu toàn cầu đã được nhất trí tháng 12/2021.

Đây là đề xuất mới nhất trong một loạt các thay đổi về thuế mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa ra hồi năm ngoái để đàm phán và áp dụng thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, đây cũng có một “trụ cột riêng” nhằm phân chia lại quyền đánh thuế quốc tế đối với các công ty công nghệ lớn, cũng như các công ty đa quốc gia có mức lợi nhuận khổng lồ.

Ngoài ra, trong kế hoạch ngân sách năm 2022, Tổng thống Biden cũng đề xuất tăng thuế suất thu nhập công ty từ 21% lên 28% và mức thuế tối thiểu hải ngoại từ 10,5% lên 20%, song song với việc đánh thuế cao hơn đối với các cá nhân siêu giàu./.