Hoàn thành chỉ tiêu về nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị
Thực tế cho thấy, nhu cầu về nhà ở, nhất là ở khu đô thị và khu công nghiệp ngày càng bức thiết hơn bao giờ hết. Ảnh tư liệu

Hầu hết các địa phương dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội đã được bàn nhiều, nhưng công tác triển khai hiệu quả chưa cao. Hoan nghênh một số địa phương vừa qua đã khởi công các dự án nhà ở xã hội lớn, song Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi "đất trong tay chúng ta, tiền có thể huy động, cơ chế, chính sách, thủ tục do ta mà việc xây dựng nhà ở xã hội không chuyển biến hoặc chuyển biến rất chậm".

Ưu tiên nhà ở xã hội trước nhà ở thương mại

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, nhà ở xã hội không có nghĩa là làm ở những chỗ đất "đầu thừa đuôi thẹo", những nơi "khỉ ho cò gáy", không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội. Phải ưu tiên nhà ở xã hội trước rồi mới đến nhà ở thương mại.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận thẳng thắn về một số nội dung: Chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội giao các địa phương đã phù hợp chưa, từng địa phương có cần làm thêm không; cơ chế, chính sách vướng mắc cần giải quyết; cách huy động nguồn lực; thiết kế, mẫu nhà ở xã hội; khả năng sản xuất hàng loạt; về cách làm, công tác quy hoạch, giao đất, thủ tục hành chính trong triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Theo Thủ tướng, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, do đó, các cơ quan phải đặt mình vào địa vị của người có nhu cầu để giải quyết, triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, các địa phương đã được giao chỉ tiêu cụ thể về xây dựng nhà ở xã hội, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, với quan điểm lấy con người là trung tâm, là chủ thể, con người là yếu tố quyết định với sự phát triển, mọi chính sách phải hướng đến con người.

Báo cáo về tình hình phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành gần 20 văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Theo đó, đến nay trên địa bàn cả nước có 10 địa phương đã đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của địa phương. Đã có 30 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án. Trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với quy mô 9.737 ha đất làm nhà ở xã hội.

Hầu hết các địa phương đều dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Nhiều địa phương đã quan tâm, dành quỹ đất nhà ở xã hội tại các vị trí thuận lợi, gần các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, đảm bảo đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, còn một số địa phương bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội còn chưa tương xứng với nhu cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, chủ trì xây dựng Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nhà ở xã hội, bao gồm chính sách lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu và một số chính sách tháo gỡ vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội.

Quy trình, thủ tục xây dựng nhà ở xã hội cần được rút gọn

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, HUD đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng khoảng 3.500 căn hộ. Từ nay đến năm 2026, Tổng công ty triển khai các dự án nhà ở xã hội với 2.800 căn hộ và hướng tới mục tiêu 17.500 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030.

Qua thực tiễn, HUD đề xuất tháo gỡ một số vướng mắc về thủ tục, cơ chế ưu đãi hỗ trợ của địa phương cho dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét, xây dựng các quy định, cơ chế ưu tiên cho phát triển các dự án nhà ở xã hội thông qua việc rút ngắn các trình tự thủ tục.

Trong khi đó, đại diện Becamex cho rằng, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính quyền và doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương với nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, giao tiến độ thực hiện.

Đặc biệt, "cần sớm xây dựng quỹ nhà ở quốc gia gắn với cơ sở dữ liệu về dân số, thu nhập, từ đó chúng ta có sự chuẩn bị về kế hoạch xây dựng, phát triển, tránh sự bị động. Phải làm sao thủ tục pháp lý đơn giản nhất với cơ chế "một cửa". Nếu như chúng ta chuẩn hóa, sử dụng công nghệ mới, thiết kế mẫu, sẽ giúp giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian thi công rất nhiều" - đại diện Becamex kiến nghị.

Đại diện Tập đoàn Viglacera cho biết, hiện Viglacera đang thực hiện 10 dự án nhà ở xã hội với số căn hộ là 17.200 căn, đã bàn giao cho Hà Nội 5.500 căn đi vào sử dụng. Tập đoàn khẳng định sẽ cung cấp những sản phẩm đồng bộ để vừa thi công nhanh, vừa giảm giá thành đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Để đẩy nhanh quá trình triển khai, Viglacera đề nghị giao thẳng cho đơn vị nào đủ năng lực vì quy trình, thủ tục làm nhà ở xã hội tốn rất nhiều thời gian.

Về mô hình, Tập đoàn Kim Oanh đề xuất áp dụng mô hình nhà bê tông lắp ghép với các ưu điểm thi công nhanh, tiết kiệm chi phí, bền vững 50 năm, phù hợp địa chất yếu. Tuy nhiên, theo đại diện Tập đoàn, thách thức lớn là giải ngân vốn vay, vì thế kiến nghị cần đảm bảo chương trình tín dụng cho vay 120.000 tỷ đồng và lãi suất ổn định 10 năm.

Khẳng định sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao trong lĩnh vực nhà ở xã hội, đại diện Vingroup cho biết, Tập đoàn đã đăng ký từ nay đến năm 2030, xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội.

Để thực hiện mục tiêu này thuận lợi, đại diện Vingroup kiến nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư; cho phép các địa phương rút ngắn thủ tục hoặc cho làm song song, như cùng lúc có thể vừa làm quy hoạch, vừa làm thủ tục đầu tư xây dựng…

Hoàn thành xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội năm 2025

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 593.428 căn.

Riêng trong năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành; 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng; số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn.

Năm 2024, số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn. Có 26 dự án với quy mô 27.819 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng. Đến nay có 103 dự án với quy mô 66.755 căn đã hoàn thành. Riêng trong năm 2024 có 28 dự án với quy mô 21.874 căn đã hoàn thành.

Theo báo cáo, các địa phương tính đến thời điểm hiện tại đã có 37/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với tổng số là 90 dự án, tổng số tiền giải ngân theo Chương trình 120.000 tỷ đồng là 2.845 tỷ đồng. Đối với năm 2025, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết mục tiêu là phấn đấu hoàn thành xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội.