Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành Cơ khí Việt Nam

Ngành Cơ khí đóng vai trò là ngành công nghiệp “xương sống”, là nền tảng và là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển.

Với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, ngành Cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu đãi để phát triển ngành Cơ khí, trong đó có chính sách thuế - hải quan; các chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt…, đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để xoay vòng vốn đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều người lao động có công ăn việc làm trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid -19...

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược này là đến năm 2035, ngành Cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước.

Nhằm tạo một diễn đàn sôi nổi để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng thảo luận xung quanh vấn đề này, qua đó gợi mở những giải pháp, cơ chế phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của ngành Cơ khí, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với các bên liên quan tổ chức Diễn đàn kinh tế - tài chính 2022: Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành Cơ khí Việt Nam.

Diễn đàn có sự tham gia thảo luận của chuyên gia kinh tế TS.Vũ Đình Ánh; PGS.TS Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính; PGS.TS Lê Thu Quý - Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công thương).

Diễn đàn được phát trên các nền tảng trực tuyến chính thức gồm: Báo điện tử Thời báo Tài chính Việt Nam, kênh Youtube và trang Facebook của Thời báo Tài chính Việt Nam. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho các vị diễn giả bằng cách gửi email tới [email protected] hoặc quét mã QR.