Tác phẩm Trầm tích và Long Mạch của Nhà thơ, nhà báo Hoàng Trần Cương
![]() |
Nhà thơ, nhà báo Hoàng Trần Cương |
Số phận nhà thơ thường là vậy, có thể ồn ào lên một khoảng thời gian nào đó, rồi bình lặng, rồi lặn sâu vào chính số phận mình, nơi lưu giữ những gì thân yêu nhất mà mình không muốn để mất. Trầm tích thơ, với Hoàng Trần Cương, là trầm tích nỗi đau, trầm tích hy vọng, và trên tất cả, hóa thạch những hình ảnh yêu thương nhất của làng quê mình, một làng quê xứ Nghệ với bao thăng trầm, vất vả, nén chịu và dẻo dai như tre ngâm hun khói.
“Mẹ tôi đẻ rơi tôi bên cối giã gạo
Tôi lấm láp đáp mình vào đất
Gió Lào mặc cho tôi chiếc áo màu nâu
Cha đi vắng”
Những người đàn ông xứ Nghệ thường vắng nhà. Họ phải bôn ba đi làm ăn xa, bôn ba vật lộn với những cơ cực và hiềm nguy của đời sống để gửi chút tiền bạc ít ỏi về trợ giúp gia đình mình. Nơi gió Lào cát trắng ấy không khoan nhượng với bất cứ ai. Vì vậy, tính cách người miền Trung thường cứng mạnh, chịu đựng nhưng cũng sẵn sàng bật lên như tre uốn lầm lì.
Tính cách của Hoàng Trần Cương giống hệt như thơ anh, hoặc là thơ anh phản ánh đúng tính cách và số phận của anh. Khi trường ca “Trầm tích” nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn, Hoàng Trần Cương như được sự cổ vũ ấm tình bè bạn, và tính cách người lính trong anh càng mạnh mẽ, càng chan hòa với bè bạn, với thơ ca. Với Hoàng Trần Cương, thơ với đời như hòa một, thơ với miền Trung, với xứ Nghệ như hòa một, mộc mạc, cứng mạnh đến tận cùng.
Tôi đã đọc thơ Hoàng Trần Cương từ “Trầm tích” tới “Long mạch” - một trường ca đã mang về cho anh sự mến mộ của người đọc và giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015. Tôi cũng ngạc nhiên, vì sao một tài thơ như Hoàng Trần Cương lại chưa nhận được giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật ?
Nhưng dù thế nào, thơ anh vẫn còn lại. Còn lại với người đọc, với quê hương miền Trung, với làng quê xứ Nghệ vất vả mà yêu thơ như yêu quê hương mình.
Xin vĩnh biệt anh, nhà thơ Hoàng Trần Cương!
Thanh Thảo