Nhà thơ Hoàng Trần Cương (trái) và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo giờ đều là người thiên cổ. Ảnh: Báo Tiền Phong
Vậy là thêm một người bạn thân yêu nữa ra đi sau những Trần Vũ Mai, Đỗ Nam Cao, Thanh Tùng, Nguyễn Trọng Tạo. Ngậm ngùi thấy hiện hữu thật mong manh, đời sống thật vô thường. Có mà không. Không mà có. Rồi cứ thế bao kỷ niệm, bao ký ức bên nhau, bao quá vãng vui buồn dâng lũ tràn về lênh láng cõi lòng.
Tôi và Cương có 5 cái cùng: cùng trang lứa như câu thơ anh viết: “Cứ như là rủ nhau / Lũ chúng mình ùa vào giữa thế kỷ”, cùng tốt nghiệp đại học chính quy (tôi là Đại học Kỹ thuật thông tin liên lạc, còn Cương là Đại học Tài chính. Cả hai trường những năm chống Mỹ đều sơ tán ở Phú Thọ rồi đến năm 1970 thì về Tiền Châu – Phúc Yên. 2 trường ở gần nhau, cùng bên sông Cà Lồ), cùng là lính Trường Sơn (tôi là lính thông tin, Cương là lính phòng không bảo vệ đường Hồ Chí Minh), cùng mê thơ, cùng mê bia bọt. Người ta 3 cùng cũng đã thành đồng chí của nhau. Chúng tôi đến những 5 cùng thì thành bạn thân thiết đâu có gì lạ.
So với những cái tên kể trên, tôi chơi với Cương muộn nhất. Phải đến khi Cương đoạt giải thưởng thơ báo Văn Nghệ năm 1990 bằng trường ca Trầm tích, chúng tôi mới thành duyên ngộ. Tám năm trước đó, năm 1982, tôi cũng đã từng được đăng quăng như thế với bài thơ Những giọt mưa đồng hành. Có lẽ cái chất lính đích thực vẫn còn nguyên trong tính cách của cả 2 thằng. Thẳng thắn, cương trực và không ngán bất cứ trở ngại gì.
Cứ thế, chúng tôi tha lôi nhau đi cười hát, đọc thơ vang lừng không biết bao nhiêu quán xá Hà Nội. Lúc thì quán bia ngã tư Quang Trung – Nguyễn Du. Lúc thì quán bia Lê Đại Hành. Khi thì quán Xanh Trần Nhân Tông cạnh rạp xiếc. Khi thì quán bia Văn Miếu v.v.. Trận nào cũng được chứng kiến Cương “lên đồng” trong cuộc “trình diễn thơ” ngoạn mục mà trời cho anh: “Miền Trung / Đã bao đồi núi với bể kề đôi / Ôi biển Đông giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ / Nóng hổi như vừa lăn xuống / Theo những tảng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm”. Những cơn mưa như vậy đã mang thơ Cương nồng theo men rượu ngấm vào đến tận xương tủy chiến hữu, bạn bè. Và cả những đàn em. Rồi những cuộc như thế loang ra khắp cả nước.
Cương có vóc dáng của một võ sĩ hơn là một nhà thơ. Cái gì nơi anh cũng cảm thấy gồ ghề, thô tháp. Tưởng chừng như chạm vào là có thể rớm máu. Nhưng giấu trong cái vẻ bề ngoài của một “thạch nhân” cứng cỏi ấy là một tâm hồn vị tha, bao dung có phần hơi mềm yếu. Anh khóc như đá khóc, cười như đá cười, cười và buồn như đá lặng phắc: “Mắt anh buồn như đá / Ai vứt ở ngoài đồng”. Nhường nhịn là bản tính gốc của Cương. Một bản tính “siêu thạch”. Tạo lớn lối, Cương nhường. Đỗ Chu bắt nạt, Cương chịu. Phạm Tiến Duật xoa đầu trêu chọc, Cương nghe. Nhưng đấy là đời, là thù tạc, là bia rượu. Với thơ, đừng hòng. Cương là Cương: “Chiều mang màu giẻ lau / Mặt đàn ông buồn héo / mắt em chạy rông…”.
Song hành dọc đất nước. Đấy là chuyện của trai tráng: “Làm trai cho đáng nên trai / Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng”. Uống không phải để nát rượu, là để thơ bật sáng. Có sáng tạo nào mà không cần nhiên liệu. Men rượu là nhiêu liệu thơ của chúng tôi. Chúng tôi cực kỳ kính phục những nhà thơ không biết uống rượu. Thế thôi. Còn với chúng tôi, là uống. Uống trong nước, rồi ra nước ngoài để thay đổi chỗ uống.
Không bao giờ quên cuộc đồng hành xuyên các nước Châu Âu. Ở chỗ nào, Cương cũng thành công mỹ mãn trong “trình diễn thơ”. Anh đọc tiếng Việt mà người châu Âu cảm nhận được thì thật là “thần giao cách cảm”, thật là tâm linh, thật là bí mật. Đấy là không gian mưa ẩm ướt “đầy một đĩa đêm” ở Warsawa. Đấy là đại sảnh sáng loáng của Đại sứ quán Việt Nam ở Bỉ tại Bruxelles. Đấy là quán bia quận 13 Paris nồng men bia 1664 và cognac thơm không chịu được đựng trong chai hình tháp Eiffel và thơ tuôn ra: “Vi ta va ơi / Em mãi là bùa thiêng / Đã lâu lắm bây giờ mình mới gặp / Giữa sương trong nắng vàng ai vừa thắp / Đưa tháng ngày tít tắp ngược xuôi”.
Năm 2007, Đại học Dallas (Texas – Mỹ) tổ chức hội thảo về “Chủ nghĩa cổ điển tự nhiên”. Giám đốc đại học là nhà thơ Frederick Turner (nhiều lần đề cử giải Nobel) đã mời giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Trần Cương và tôi sang dự hội thảo. Do tôi có cậu em là nghệ sĩ guitar classic Nguyễn Quang Bình ở Houston – Texas, nên thày trò chúng tôi quyết định bay sang Houston trước, rồi sau đó Nguyễn Quang Bình sẽ chạy xe hơi đưa chúng tôi tới Dallas dự hội thảo.
Chuyến đi thật đặc biệt. Không biết vì lý do gì mà phòng vé lại “book” vé cho thày Hiến và Cương bay sang Houston nhưng lại quá cảnh vào Mỹ ở sân bay Seatle. Còn tôi và Nguyễn Quang Bình thì lại quá cảnh ở sân bay Los Angeles. Thời gian lệch nhau. Thày Hiến và Cương sẽ tới Houston trước tôi và Nguyễn Quang Bình.
Khi máy bay hạ cánh, đêm đã xuống từ lâu. Khi chúng tôi đi ra sảnh chờ, nhìn mặt Cương ngơ ngác như “mất sổ gạo” mà buồn cười đến chảy nước mắt. Tối đó, ở nhà Nguyễn Quang Bình, tôi và Cương ngủ chung giường. Cả hai thằng đều trằn trọc vì thay đổi múi giờ. Tảng sáng, cả hai lẻn ra vườn sau nhà ngồi pha trà uống. Cỏ vườn xanh mướt đến nỗi Cương hét lên: “Trời ơi! Gặp Whitman (tác giả tập thơ Lá cỏ nổi tiếng) rồi”. Và chỉ lát sau, Cương đã viết ra bài lục bát “Cỏ trời”. Đến Mỹ mà làm thơ lục bát mới nể chứ!
Cỏ như trời. Thả giấc mơ
Nhẩn nha. Chườm mát câu thơ mỏng dày
Cỏ như trời. Lạc xuống đây
Nửa uy nghiêm. Nửa ngất ngây tóc thề.
Cỏ như trời. Nhốt đam mê
Đem tôi trả chốn nhà quê. Điếng mình
Cỏ như trời. Mọc lặng thinh
Nửa vòng trái đất. Đọng hình nước non…
Thế rồi sau hội thảo, chúng tôi lại lang thang “New York không đêm”, Washington D.C và Boston. Năm ấy, ở Boston, tại nhà của nhà thơ Nguyễn Bá Chung, Cương đã đón sinh nhật tuổi 59 của mình trong một không gian văn nghệ không thể nào quên được của bạn bè người Việt xa xứ. Đấy là một gợi ý quan trọng để Cương viết trường ca Long mạch đoạt giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015. Trước đó 15 năm, năm 2000, Cương đã được vinh danh như thế bởi trường ca Trầm tích.
Năm 2008, mừng Cương vào tuổi “Lục tuần”, tôi chọn ra 5 chương: Miền Trung, Quê làng, Cá gỗ, Đá đỏ, Thiên nhiên của trường ca Trầm tích phổ thành 5 hợp xướng tạo thành một tổ khúc hợp xướng Trầm tích. Tiếc kinh phí eo hẹp nên mới thu thanh được Miền Trung và Thiên nhiên. Cả hai đều được giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 2015, Cương vừa được giải thưởng hàng năm Hội Nhà văn Việt Nam, lại cùng tôi được giải thưởng hàng năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam bởi hợp xướng Thiên nhiên mà Cương là tác giả thơ. Hôm lên nhận giải, Cương đã ứa nước mắt. Tôi thủng thẳng: “Vậy là mày và tao đều đã đạt được “Song kiếm hợp bích” (Hai giải thưởng: Văn học và âm nhạc cùng một năm) rồi nhé”. Trước đó, năm 2014, tôi cũng “song kiếm hợp bích” với tập Trường ca ngắn và kịch thơ và hợp xướng Điện Biên.
Hồi Cương còn làm Tổng Biên tập Thời báo Tài chính, tôi và Cương lang thang bia bọt với anh em phóng viên nhiều năm. Đến khi Cương về hưu thì hai thằng chỉ ngồi ở hai quán. Khi nào hứng, tôi từ Hàng Bông xuống phố Vọng uống với Cương. Còn khi nào Cương hứng thì từ Phố Vọng lên uống với tôi ở quán “Laca” 24 Lý Quốc Sư. Thời gian ấy, giữa tôi với Cương có thêm họa sĩ tối giản Lê Thiết Cương. Lắm lúc tôi đùa: “Ngồi uống với hai cục thép – lạnh quá trời”.
Cữ ngỡ, anh em còn uống dài dài, ai dè mùa hè 2016, Cương bị tai biến mạch máu não sau cú trượt chân ngã cầu thang. Sau 4 tháng nằm ở Bệnh viện Bạch Mai, Cương về Phố Vọng tự hồi phục bởi sự chăm sóc của gia đình. Tết 2017, tôi và Lê Thiết Cương đến tư gia thăm Cương, Cương đưa cho tôi tập bản thảo cuối cùng mang tên Tát vét, chữ khó đọc vì tay đã run. Đến khi Cương vào dưỡng bệnh ở Hà Đông thì xa xôi cách trở.
Mới tháng trước, tôi vào thăm Cương ở Bệnh viện quân đội 103 quận Hà Đông, Hà Nội. Nhìn Cương bạc phếch trên giường bệnh, không cầm được nước mắt. Tôi thầm nhủ trong lòng: “Nơi đây đã đưa tiễn Nguyễn Khắc Phục, chắc cũng sẽ là nơi đưa tiễn Hoàng Trần Cương. Trời sắp gọi đi rồi”. Và ngày ấy đã đến, buổi chiều định mệnh 9/4/2020.
Thương tiếc quá, một tài năng thơ độc đáo, một người bạn thân yêu. Hình như Cương đã bình thản đón chào sự ra đi như đón chào một người bạn cuối cùng:
“Anh tát vét
Khi giếng đời khô cạn
Níu mơ ngày
Chút nắng lắt lay …
Ngơ ngác bóng mái chùa
Có tiếng chuông lạc giọng
Người đi
Hình mất bóng
Buông nỗi niềm xa xăm…”
Những câu thơ trong bản thảo Tát vét đã thức cùng tôi suốt đêm 9/4/2020. Vĩnh biệt Hoàng Trần Cương. Vĩnh biệt bao kỷ niệm, bao ký ức, bao quá vãng của hai ta xưa. Những kỷ niệm, ký ức, quá vãng như “tiếng thở dài của gió” trong thơ anh.
Nguyễn Thụy Kha