Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cùng đồng chủ trì hội nghị.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng Tư vấn tập trung phân tích đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội 9 tháng và dự báo cả năm 2016; triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017, những năm tiếp theo để định hướng phát triển kinh tế- xã hội cho cả giai đoạn 2016- 2020, trong đó tập trung thảo luận vào các vấn đề như: chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, cân đối ngân sách nhà nước và an toàn nợ công; đồng thời, đề xuất các giải pháp thực hiện để đưa vào Nghị quyết điều hành kinh tế- xã hội của Chính phủ năm 2017.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đặt ra các vấn đề lớn để các thành viên Hội đồng thảo luận, cho ý kiến đó là Đề án tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, gắn với đảm bảo an toàn nợ công và Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng nhận định, thời gian qua, Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng, triển khai Đề án tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, gắn với đảm bảo an toàn nợ công. Đề án này đã được Bộ Tài chính khẩn trương soạn thảo, xây dựng, đồng thời báo cáo Bộ Chính trị và đã được thông qua, tới đây sẽ ban hành Nghị quyết thực hiện.
Đối với vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết, Đề án đã trình Bộ Chính trị và sẽ tiếp tục trình Ban Chấp hành Trung ương. Trên cơ sở các ý kiến của Ban Chấp hành trung ương, của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chính phủ sẽ hoàn thiện Báo cáo về Đề án, trình Quốc hội xem xét phê chuẩn. Báo cáo này sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội cho cả giai đoạn 2016- 2020.
Trên cơ sở những gợi ý của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các thành viên Hội đồng Tư vấn đã dành phần lớn thời gian thảo luận, đánh giá, phân tích các yếu tố liên quan tới kinh tế vĩ mô, cũng như đưa ra các dự báo, các giải pháp trong điều hành của Chính phủ trong thời gian tới. Các thành viên Hội đồng Tư vấn bày tỏ đồng tình với kết quả điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ trong thời gian qua, cũng như sự phối hợp của hai chính sách này góp phần cho ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng Tư vấn cũng đề nghị cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư để làm rõ hơn thực trạng nền kinh tế; cần chỉ ra những nguyên nhân làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua, từ đó có những giải pháp phù hợp cho nền kinh tế đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2016 đã được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp nâng cao cầu nội địa và thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng hơn; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí trung gian cho doanh nghiệp; qua đó giải quyết các tồn đọng hiện nay và từng bước chuyển biến nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng tốt hơn nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, tình hình kinh tế trong nước 9 tháng qua tiếp tục đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tăng khoảng 5,93%, trong đó quý III tăng 6,4%.
Với tình hình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 sẽ đạt khoảng từ 6,3-6,5%, (các chuyên gia kinh tế cho rằng nhiều khả năng tăng trưởng cả năm ước đạt khoảng 6,3%). Tỷ lệ lạm phát trong 9 tháng đầu năm 2016 ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng 8/2016 và tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, diễn biến lạm phát cơ bản ổn định, tháng 9 so với cuối 2015 tăng 1,58%, cùng kỳ tăng 1,85% vẫn trong khoảng dao động hẹp. Dự báo, lạm phát trong năm 2016 sẽ được kiểm soát dưới 5% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến phát biểu của các thành viên trong Hội đồng Tư vấn về kết quả điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ trong 9 tháng đầu năm 2016. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hội đồng cần đánh giá và phân tích thêm các chỉ số liên quan đến chất lượng tăng trưởng cũng như hiệu quả đầu tư công.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong công tác điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý cũng như kiểm soát lạm phát.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành cần nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng; rà soát lại các gói tín dụng ưu tiên trên cơ sở phân định được chính sách tài khóa và các công cụ của hệ thống ngân hàng; nghiên cứu tăng mức huy động vốn trung, dài hạn; xử lý nợ xấu của nền kinh tế trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng…
Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ cần tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển biến mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết triệt để những tồn tại của nền kinh tế như: về công nghiệp khai khoáng, vấn đề phát triển nông nghiệp, tổ chức lại thị trường nội địa… nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, cũng như người dân./.
H.TR