Hồi ức và ước vọng khi tờ báo đúng tuổi
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế (thứ 6 từ phải sang), Thứ trưởng Tào Hữu Phùng (thứ 10 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các vị đại biểu và cán bộ, nhân viên Thời báo Tài chính Việt Nam trong cuộc họp ra mắt tờ báo. Ảnh: TL

Tôi còn nhớ, vào một ngày hè cuối tháng 6 năm 1993, khi tôi đang làm Phó Tổng biên tập phụ trách báo Tuổi trẻ Thủ đô của Thành đoàn Hà Nội thì anh Nguyễn Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí (Bộ Văn hóa - Thông tin), gọi điện thoại bảo sang cơ quan gặp anh có việc cần trao đổi.

Thoạt đầu, tôi nghĩ có lẽ tờ báo do tôi phụ trách (lúc ấy) xảy ra chuyện gì... Thế nhưng khi sang gặp, anh Thắng cho biết, Bộ Văn hóa - Thông tin vừa cấp giấy phép xuất bản và Bộ Tài chính cũng vừa có quyết định thành lập tờ tuần báo mang tên “Thời báo Tài chính”, đang muốn tìm một số cán bộ "khung" cho tờ này.

Vụ Báo chí đã tìm giúp Bộ Tài chính được mấy nhà báo có uy tín đang làm ở các cơ quan báo chí như: báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam... Hôm nay, anh Thắng nhắn tôi sang gặp là để hỏi tôi có muốn về làm ở tờ báo mới này thì Vụ Báo chí sẽ “tiến cử” với Bộ Tài chính.

Trong thời gian chờ làm thủ tục chuyển công tác, tôi về cùng các anh trong ban lãnh đạo Thời báo Tài chính do Thứ trưởng Bộ Tài chính Tào Hữu Phùng làm Tổng Biên tập, anh Đào Ngọc Hùng làm Phó Tổng Biên tập và các nhà báo Đinh Bá Đào, Trần Đức Khang, phóng viên trẻ Trần Thị Kim Thanh... đã về đây trước, tiến hành mọi công việc để thực hiện mục tiêu tờ Thời báo Tài chính số 1 sẽ ra mắt vào ngày 2/9/1993, đúng vào dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Quốc khánh và cũng là 48 năm thành lập Bộ Tài chính.

Vượt qua không ít khó khăn, thiếu thốn, bỡ ngỡ của thuở ban đầu từ trụ sở, trang thiết bị, nhân lực, quy trình xuất bản báo..., đúng ngày kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1993, tờ Thời báo Tài chính số 1 đã ra mắt bạn đọc trong niềm hân hoan phấn khởi không chỉ của anh chị em trong tòa soạn mà còn là của lãnh đạo Bộ Tài chính và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính cả nước!

Từ nay, Bộ Tài chính đã có một tờ báo - cơ quan ngôn luận để thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương chính sách, đường lối về tài chính của Đảng, Nhà nước và của ngành Tài chính; thông tin kịp thời tình hình tài chính kế toán, thị trường tài chính tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường giá cả... trong nước và thế giới.

Cũng từ nay, tờ Thời báo Tài chính sẽ trở thành diễn đàn về lĩnh vực tài chính, kinh tế để các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp, các nhà lý luận, các chính khách trao đổi và trình bày các quan điểm về tài chính; để mọi công dân phản ánh việc thi hành các chế độ, chính sách tài chính của Nhà nước.

Những khó khăn của buổi đầu ấy rồi cũng qua nhanh khi các bộ phận trong tòa soạn được bổ sung thêm nhân lực, hình thành đầy đủ các ban chuyên môn, trong đó đáng kể nhất là có thêm các phóng viên từ các cơ quan báo chí và từ Học viện Báo chí Tuyên truyền chuyển về. “Cỗ máy” làm việc của tờ báo ngày thêm hoàn chỉnh. Tờ Thời báo Tài chính sớm khẳng định được tiếng nói và chỗ đứng trong làng báo Việt Nam.

Sau chưa đầy 2 năm ra đời, bên cạnh ấn phẩm chính ra hàng tuần, từ tháng 3/1995, lãnh đạo báo quyết định ra tờ Đặc san Thời báo Tài chính xuất bản hàng tháng. Tờ Đặc san nhanh chóng được bạn đọc đón nhận và cũng là thêm “đất” để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nhân trình bày quan điểm, suy nghĩ, trao đổi về những vấn đề cần quan tâm trong lĩnh vực tài chính tiền tệ mà tờ tuần báo chưa thể “ôm” hết được!

Khi tờ báo sắp tròn 3 tuổi, tháng 7/1996, được cấp trên cho phép, lãnh đạo báo quyết định ra tờ phụ bản tin “Tài chính thị trường” phát hành hàng ngày ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Có thể nói đây là sự táo bạo và quyết tâm rất lớn của Phó Tổng biên tập Đào Ngọc Hùng khi quyết định ra báo hàng ngày trong bối cảnh lúc đó chưa có mạng internet.

Lúc đầu tờ tin “Tài chính thị trường” chỉ ra 4 trang, in và phát hành ở hai đầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tôi lúc đó là Phó Trưởng Ban Thư ký tòa soạn, được giao làm công việc thư ký tòa soạn cho tờ tin và lo tin bài ở phía Bắc.

Anh Trần Khánh Dũng - Phó Trưởng Chi nhánh của báo tại TP. Hồ Chí Minh, được giao lo tin bài ở phía Nam và trình bày market. Có thể nói, đây là quãng thời gian để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc khó quên trong những năm công tác ở Thời báo Tài chính Việt Nam khi làm báo ra hàng ngày ở hai đầu đất nước trong điều kiện chưa có mạng internet.

Tuy nhiên, đến năm 1999, xét thấy hiệu quả tuyên truyền và nhất là hiệu quả kinh tế còn bất cập, lãnh đạo báo quyết định ngừng xuất bản tờ tin “Tài chính thị trường” để dồn nguồn lực tăng kỳ xuất bản lên 3 kỳ mỗi tuần cho ấn phẩm chính là tờ Thời báo Tài chính Việt Nam.

Có thời gian, song song với việc xuất bản báo bằng tiếng Việt, Thời báo Tài chính Việt Nam còn liên kết xuất bản tờ tiếng Anh ra hàng tháng mang tên “Vietnam Financial Times" nhằm phục vụ đối tượng bạn đọc quốc tế và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tôi cũng là người được Tổng biên tập giao nhiệm vụ “gác cổng” phần nội dung tiếng Việt của các bài viết trước khi chuyển ngữ sang tiếng Anh...

Sau hơn 18 năm gắn bó với tờ báo thì tôi đến tuổi được nghỉ ngơi... Thấm thoát tưởng như mới ngày nào mà đến hôm nay, tôi đã nghỉ hưu được 12 năm rồi! Trong khoảng thời gian 12 năm ấy, tờ Thời báo Tài chính Việt Nam đã có những bước trưởng thành và tiến bộ vượt bậc! Thời báo Tài chính Việt Nam hiện giờ đã là một cơ quan truyền thông đa phương tiện với các loại hình báo in, báo điện tử, báo nói và báo hình, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền của ngành Tài chính cũng như phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Hôm nay Thời báo Tài chính Việt Nam tròn tuổi 30 - cái tuổi “đang xoan”, nghĩa là “đang xuân” theo câu ví của người xưa. Xin chúc tờ báo mà tôi đã gắn bó hầu hết cuộc đời làm báo chuyên nghiệp của mình với rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên, tiếp tục phát triển mạnh mẽ như sức xuân đang đến độ dâng trào!./.