Theo đó, HoREA đề nghị cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình theo điều kiện và tiến độ giải ngân của hợp đồng tín dụng (không giới hạn đến ngày 31/12/2016 như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước).
Theo HoREA, hiện nay có nhiều dự án có thời hạn giao nhà sau ngày 31/12/2016, nếu không được giải ngân thì người vay sẽ rơi vào tình thế rất khó khăn, vì khó tìm được nguồn vốn vay thay thế; nếu chuyển sang vay theo phương thức thương mại thì lãi suất vay có thể tăng gấp đôi; nếu vay ngoài xã hội thì lãi suất còn cao gấp nhiều lần.
Hơn nữa, theo Luật Kinh doanh Bất động sản, sau khi nhận nhà thì người mua phải thanh toán đến 95% giá trị hợp đồng; 5% còn lại chỉ thanh toán sau khi người mua nhà nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Do vậy, nếu kết thúc giải ngân vào ngày 31/12/2016 thì không phù hợp với thực tế vận hành của thị trường bất động sản và chưa đảm bảo được quyền lợi của người vay gói tín dụng ưu đãi.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, với điều kiện căn hộ của dự án đó đã bán cho khách hàng mà người mua nhà đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng trước ngày 31/3/2016.
Lý do HoREA đưa ra đề xuất này là hầu hết các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội thuộc diện nêu trên đều đã được chủ đầu tư ký hợp đồng bán nhà cho người tiêu dùng, trong đó có nhiều người đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng. Do vậy, cần kiểm tra nắm chắc tình hình thực tế của từng dự án để xử lý cho phù hợp.
Trường hợp, nếu chủ đầu tư chưa bán căn hộ cho người tiêu dùng thì có thể dừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng và hướng dẫn chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; và Thông tư 25/2015/TT-NHNN ngày 09/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước.
Nếu chủ đầu tư đã bán căn hộ cho người tiêu dùng và người tiêu dùng đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng trước ngày 31/3/2016 thì tùy theo số lượng hợp đồng tín dụng đã ký để xem xét giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng với giá trị phù hợp, tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn thành công trình để bàn giao nhà cho khách hàng.
Cũng theo HoREA, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ cũng đã dự liệu dành từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng để thực hiện gói tín dụng ưu đãi này và trên thực tế theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước thì cho đến ngày 10/5/2016 các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỷ đồng, vẫn còn nằm trong giới hạn nêu trên.
“Do vậy, Hiệp hội kính mong Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận ý kiến đề xuất của Hiệp hội để giải quyết có lý có tình và người vay gói tín dụng ưu đãi yên tâm”, văn bản của HoREA nêu.
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết ngày 10/5/2016, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỷ đồng với 56.240 khách hàng. Tính đến ngày 20/5/2016, tổng số tiền đã giải ngân là 26.733 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho khách hàng cá nhân là 21.667 tỷ đồng. |
Thiện Trần