Đoàn khảo sát của Tổng cục Hải quan và đại diện doanh nghiệp kinh doanh cảng tiến hành

Đoàn khảo sát của Tổng cục Hải quan và đại diện doanh nghiệp kinh doanh cảng tiến hành do thời gian thông quan hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hải Anh

Thực tế này có nguyên nhân từ đâu? Phóng viên TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn ông Kim Long Biên - Vụ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan để làm rõ vấn đề này.

PV: Ông đánh giá thế nào về thực trạng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới (GDTMQBG) của Việt Nam hiện nay, khi 3 năm liên tiếp chỉ số này giảm bậc...?

Ông Kim Long Biên: Trong hơn 3 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại nhằm cải thiện chỉ số GDTMQBG, kết quả được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, dù kết quả chi tiết thời gian, chi phí và điểm số GDTMQBG của Việt Nam 3 năm liền tại báo cáo Môi trường kinh doanh (DB2018, DB2019, DB2020) của WB không có sự thay đổi, nhưng thứ hạng của Việt Nam lại liên tục bị đánh giá giảm, từ vị trí 94 (DB 2018) xuống 100 (DB2019) và 104 (DB2020).

Theo chúng tôi nguyên nhân chỉ số GDTMQBG chưa có sự cải thiện là do nhiều cải cách đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa của Việt Nam chưa được WB ghi nhận. Điển hình như việc ngành Hải quan triển khai thanh toán thuế điện tử từ năm 2014 và Cổng thanh toán điện tử và thông quan 24/7 từ năm 2017; Triển khai hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động từ năm 2017, đặc biệt là triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN từ năm 2014.

Ông Kim Long Biên
Ông Kim Long Biên

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) theo Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015, Quyết định 1254/QĐ-TTg (ngày 26/9/2018); triển khai và không ngừng nâng cấp dịch vụ công trực tuyến từ năm 2016 đến nay; triển khai việc nộp và kiểm tra chứng từ điện tử thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan theo Nghị định số 59/2018/NĐ-CP…

PV: Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thủ tục hành chính hải quan trong các năm vừa qua cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao những cải cách nói trên của Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan. Mặc dù vậy, vì sao WB vẫn chưa đánh giá cao những cải cách này, thưa ông?

Ông Kim Long Biên: Chúng tôi cho rằng, WB có phương pháp đánh giá xếp hạng chỉ số GDTMQBG theo những tiêu chí riêng và cần có những cuộc họp bàn để WB ghi nhận những nỗ lực về cải cách của Việt Nam. Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần trao đổi với WB về phương pháp, cách thức đánh giá đối với chỉ số GDTMQBG của Việt Nam tại Báo cáo Môi trường kinh doanh.

Hàng năm, qua các kênh thông tin, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đều cập nhật một cách kịp thời và đầy đủ cho WB các thông tin cải cách liên quan đến chỉ số GDTMQB. Tuy nhiên theo kết quả đánh giá của WB tại Báo cáo môi trường kinh doanh thì các cải cách của Việt Nam vẫn chưa được ghi nhận. Tháng 2/2020, Bộ Tài chính đã có công thư gửi WB đề nghị ghi nhận những cải cách mà Việt Nam đã thực hiện và đề nghị WB xem xét lại kết quả chi tiết thời gian, chi phí và điểm số chỉ số GDTMQBG 3 năm qua vì sao không có sự thay đổi.

Để tạo được sự thống nhất, Tổng cục Hải quan đã đề nghị WB tổ chức buổi làm việc trực tuyến trong tháng 8/2020 để trao đổi, cập nhật về phương pháp đánh giá và kết quả chỉ số GDTMQBG của Việt Nam. Ngoài ra, chỉ số GDTMQBG cũng chịu ảnh hưởng do nguyên nhân chủ quan. Theo phản ánh của doanh nghiệp vẫn còn tình trạng chồng chéo trong quản lý chuyên ngành của các bộ và vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành…

PV: Để nâng cao chỉ số GDTMQBG, chúng ta cần có những hoạt động cụ thể nào góp phần thúc đẩy hoạt động này trong năm 2020 và những năm tiếp theo, thưa ông?

Ông Kim Long Biên: Triển khai nhiệm vụ nâng cao chỉ số GDTMQBG được Chính phủ giao tại Nghị quyết 02/NQ-CP, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện, các kiến nghị và giải pháp triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục theo dõi, kịp thời đôn đốc các bộ, ngành tích cực triển khai các giải pháp nâng cao xếp hạng chỉ số GDTMQBG đã xác định tại Kế hoạch 876/QĐ-BTC (ngày 27/5/2019) của Bộ Tài chính; thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện của cơ quan hải quan và từng bộ, ngành, kịp thời báo cáo Chính phủ các vướng mắc phát sinh và đề xuất, kiến nghị các giải pháp triển khai. Đồng thời, cơ quan hải quan cũng thường xuyên tuyên truyền, cập nhật kịp thời kết quả cải cách cho WB và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Để nâng cao xếp hạng chỉ số GDTMQBG một cách thực chất cần sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành liên quan. Vì vậy, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức các cuộc làm việc với một số bộ, ngành (trước mắt trong năm 2020 sẽ làm việc với Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để trao đổi, giải quyết các vướng mắc và đề xuất giải pháp nhằm giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính...

Đặc biệt, cơ quan hải quan sẽ thực hiện khảo sát về chỉ số GDTMQBG nhằm nắm bắt được chính xác, cụ thể những thuận lợi, khó khăn, những nút thắt trong từng khâu, từng thủ tục của từng cơ quan, đơn vị trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa. Thông qua khảo sát có thể nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp đối với từng nhóm mặt hàng, từng văn bản, từng bộ, ngành. Kết quả khảo sát cũng là cơ sở để Tổ liên ngành và các bộ, ngành trao đổi, khắc phục vướng mắc, đề xuất, kiến nghị Chính phủ các giải pháp thiết thực nhằm cải cách toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đề nghị WB ghi nhận cải cách Việt Nam đạt được


Tháng 2/2020, Bộ Tài chính đã có công thư gửi WB đề nghị ghi nhận những cải cách mà Việt Nam đã thực hiện và đề nghị WB xem xét lại kết quả chi tiết thời gian, chi phí và điểm số chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới 3 năm qua vì sao không có sự thay đổi.


Để tạo được sự thống nhất, Tổng cục Hải quan đã đề nghị WB tổ chức buổi làm việc trực tuyến trong tháng 8/2020 để trao đổi, cập nhật về phương pháp đánh giá và kết quả chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam.

Huyền Nguyễn - Song Linh (thực hiện)