Khẩn trương rà soát để quy định bảng giá đất theo Luật Đất đai mới
Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Ảnh tư liệu

Kỳ vọng ở các chính sách mới, đột phá

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, để Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nhanh chóng xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Theo đó, với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao, Bộ Tài chính đã tổ chức rất nhiều toạ đàm, hội thảo để tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân. Trong đó có nhiều ý kiến đã được cụ thể hoá vào Nghị định số 103/2024/NĐ-CP (Nghị định 103) quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nhất là các ý kiến giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong thực tế khi triển khai Luật Đất đai năm 2013.

Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Khắng, các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai đối với người sử dụng đất để làm căn cứ tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm về kê khai và thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện để được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong quá trình sử dụng đất của người sử dụng đất...

Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, nội dung của Nghị định 103 có phạm vi tác động rộng, liên quan đến nhiệm vụ của nhiều cơ quan chức năng tại các địa phương, nhất là tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, Nghị định 103 quy định cụ thể về việc tính, thu, nộp, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; xử lý chuyển tiếp về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất, đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Vì vậy, ngay sau khi nghị định được ban hành và có hiệu lực thi hành, Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân đặt nhiều kỳ vọng vào những quy định mới, mang tính đột phát giúp phát huy nguồn lực đất đai để đóng góp vào NSNN trong thời gian tới.

Tuyên truyền, phổ biến tới mọi tầng lớp nhân dân

Tại Hội nghị triển khai Nghị định 103/2024/NĐ-CP quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Nghị định 104/2024/NĐ-CP quy định về Quỹ phát triển đất của Chính phủ diễn ra sáng ngày 20/8/2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, trách nhiệm được giao quy định tại Nghị định 103. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của nghị định tới các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dân có liên quan, đảm bảo các đối tượng chịu sự tác động của nghị định nắm bắt đầy đủ, chính xác, kịp thời nội dung của Luật Đất đai và của nghị định.

Đặc biệt, Thứ trưởng cho biết, Nghị định 103 đã quy định cụ thể phạm vi, đối tượng, cách tính, thu, nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và quy định chuyển tiếp về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương lưu ý thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, đối với trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm, tại Nghị định 103 quy định tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất một năm là từ 0,25% đến 3%. Mức tỷ lệ % tối thiểu này thấp hơn (=50%) so với mức quy định của pháp luật đất đai năm 2013. Đối với đất xây dựng công trình ngầm, đơn giá thuê đất được tính theo mức không quá 30% của đơn giá thuê đất trên bề mặt với cùng hình thức thuê đất, cùng mục đích sử dụng đất. Đối với đất có mặt nước (phần diện tích đất có mặt nước), đơn giá thuê đất được tính theo mức không thấp hơn 20% của đơn giá thuê đất của loại đất có vị trí liền kề với giả định có cùng mục đích sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất với phần diện tích đất có mặt nước.

Căn cứ vào thực tế địa phương, UBND cấp tỉnh quy định mức tỷ lệ (%) để tính đơn giá thuê đất, mức tỷ lệ (%) thu đối với đất xây dựng công trình ngầm, mức tỷ lệ (%) thu đối với đất có mặt nước và quyết định giá đất cụ thể theo thẩm quyền làm căn cứ để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sau khi xin ý kiến của HĐND cùng cấp. Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan tài chính trong việc chủ trì xây dựng và trình UBND cấp tỉnh quy định các mức tỷ lệ (%) cụ thể để xác định đơn giá thuê đất nêu trên.

Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương ban hành các mức tỷ lệ (%) tính thu tiền thuê đất nêu trên để áp dụng tính thu tiền thuê đất đối với các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8/2024, trường hợp vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, một trong các căn cứ quan trọng để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là giá đất, được quy định tại Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định số 71/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giá đất. Theo đó, Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Trình tự điều chỉnh Bảng giá đất đối với trường hợp này (nếu có) thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP. Các mức thu tiền sử dụng đất, mức tỷ lệ (%) tính đơn giá thuê đất quy định tại Nghị định số 103/2024/NĐ-CP đã được cân đối theo ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và có tính đến yếu tố đổi mới trong quy định về giá đất nêu trên.

Do vậy, Thứ trưởng đã đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát để quy định Bảng giá đất theo đúng quy định tại Luật Đất đai năm 2024, hướng dẫn tại Nghị định số 71/2024/NĐ-CP để áp dụng từ ngày 1/8/2024 đến trước ngày 1/01/2026 (ngày áp dụng Bảng giá đất được xây dựng theo quy định của Luật Đất đai năm 2024).

Số thu từ đất chiếm 15% tổng thu ngân sách

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sau hơn 10 năm triển khai Luật, công tác thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ, chặt chẽ cho việc huy động, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện, là cơ sở để huy động các khoản thu vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, số thu từ đất đai giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 trung bình khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng hơn 15% tổng thu NSNN. Chính sách ưu đãi về thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Chính sách ưu đãi về đất đai đối với nhà ở xã hội đạt được một số kết quả quan trọng.