Mối lo toàn cầu về chi phí sinh hoạt gia tăng
HSBC mới đây đã công bố kết quả khảo sát chỉ số chất lượng cuộc sống, trong đó có nhiều thông tin đáng chú ý như tình hình suy giảm chỉ số ổn định tài chính diễn ra ở tất cả các thị trường trừ Malaysia (+1) và Singapore (+1) và nhìn chung xảy ra với thế hệ Millennials (-5), Gen X (-5) và Baby Boomers (-2).
Cụ thể, chỉ số ổn định tài chính toàn cầu giảm bốn điểm xuống còn 78. Chỉ số ổn định tài chính giảm ở Trung Quốc đại lục (-14), Hồng Kông (-2), Ấn Độ (-3), Mexico (-5), Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (-3), Vương quốc Anh (-2), Mỹ (-4). Indonesia và Đài Loan không được đưa vào khảo sát 2023. Năm 2024, Indonesia ghi nhận 85 điểm ổn định tài chính, mức cao nhất trên toàn cầu, còn Đài Loan là 80 điểm, cao hơn mức bình quân toàn cầu (78 điểm).
![]() |
Tổng số người tham gia là 11.230 với khối tài sản có thể đầu tư trị giá từ 100.000 USD đến 2 triệu USD, được khảo sát thông qua nền tảng trực tuyến. Tuổi người tham gia khảo sát từ 25-69; là người tự đưa ra quyết định liên quan đến tài chính cho bản thân họ; đã đầu tư vào các sản phẩm tài chính. Thị trường tham gia khảo sát là Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mexico, Singapore, Đài Loan, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Vương quốc Anh và Mỹ. |
Xét về điểm số chung thì Ấn Độ và Indonesia hiện đang đứng đầu bảng với mức chung là 81. Hồng Kông (+5,73 điểm) và Singapore (+6,74 điểm) ghi nhận mức tăng toàn diện cao nhất trong năm 2024. Trong đó, Hồng Kông, Singapore và Mỹ đều ghi nhận mức tăng cao nhất về sức khỏe thể chất (+8) còn Singapore tăng bảy điểm về sức khỏe tinh thần, thể hiện qua mức độ tự tin (+18) và lạc quan về tương lai (+17) tương đối cao của nhóm Gen X.
Nghiên cứu với sự tham gia của hơn 11.000 người thuộc tầng lớp trung lưu tại 11 thị trường trên thế giới cho thấy một mối lo toàn cầu về chi phí sinh hoạt gia tăng (68% người tham gia khảo sát) và tác động của lạm phát đối với tiền tiết kiệm (61%) có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch trong cuộc sống.
Giới trung lưu châu Á lo lắng nhiều hơn về sức khỏe, chi phí y tế
Tuy nhiên, những người tham gia khảo sát châu Á, chiếm 60% trong mẫu chung, xếp những mối lo về chi phí y tế (54% so với 43%), sức khỏe thể chất (60% so với 54%), sức khỏe tinh thần (44% so với 35%) cao hơn nhóm ở khu vực khác bên ngoài châu Á.
Những mối lo này được phản ánh trong các ưu tiên về tài chính của tầng lớp trung lưu châu Á. Cũng giống như tầng lớp trung lưu ở những nơi khác, nhóm tham gia khảo sát ở châu Á coi “tích lũy tài sản để ổn định tài chính” (46%) và “lập kế hoạch nghỉ hưu” (43%) là hai mục tiêu tài chính hàng đầu, theo sát sau đó là “có bảo hiểm đủ để bảo vệ” (41%).
![]() |
Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy những khoảng trống trong việc lập kế hoạch.
Về bảo hiểm sức khỏe, 38% tầng lớp trung lưu trên thế giới cho biết có bảo hiểm đủ để bảo vệ là một mục tiêu tài chính hàng đầu, tăng lên so với mức 31% trong năm 2023, nhưng 23% vẫn chưa có đủ bảo hiểm sức khỏe. Ở Hồng Kông, con số này lên đến 29% trong khi Indonesia chỉ là 9%.
Về kế hoạch nghỉ hưu, 42% người thuộc tầng lớp trung lưu ở châu Á không cảm thấy sẵn sàng để nghỉ hưu, trong đó, nhóm này ở Hồng Kông (47%), Trung Quốc đại lục (55%) và Đài Loan (51%) cảm thấy ít sẵn sàng hơn so với các thị trường khác.
Đối với tích lũy tài sản, các nhà đầu tư trung lưu trên toàn cầu phân bổ gần 32% danh mục đầu tư vào tiền mặt, tuy nhiên, những người có ý định cân bằng lại danh mục đầu tư trong năm sau cho biết bình quân họ sẽ đầu tư 54% khoản tiền này.
Khoảng một phần ba thế hệ Baby Boomers (những người sinh khoảng từ năm 1946 – 1964) thừa nhận nhu cầu phải bắt đầu lập kế hoạch nhưng lại chưa thực sự bắt tay vào làm việc đó, cho thấy có khoảng cách từ ý định tới hành động bởi nhiều người tham gia khảo sát muốn bắt đầu chuyển giao từ khi còn sống hơn so với sau khi đã khuất (45% so với 37%). |
34% nhà đầu tư trung lưu ở các trung tâm quản lý tài sản quốc tế chính có kế hoạch đầu tư nhiều hơn ở ngoài thị trường chính quốc, trong đó, Mỹ và Trung Quốc đại lục là hai điểm đến hàng đầu.
Mặc dù phần lớn tầng lớp trung lưu (79%) tin rằng lên kế hoạch từ sớm đóng vai trò quan trọng trong việc truyền lại di sản nhưng chưa tới 4 trong 10 người lập di chúc hoặc lên kế hoạch kế thừa. Tầng lớp trung lưu ở châu Á (33%) ít lập di chúc hoặc lên kế hoạch kế thừa so với các khu vực khác (43%), mặc dù Malaysia (47%) là thị trường dẫn đầu trong vấn đề này.
Nhận định về kết quả khảo sát, bà Kai Zhang, Giám đốc Điều hành và Giám đốc Khối Dịch vụ Quản lý tài sản và Tài chính cá nhân khu vực Nam và Đông Nam Á, HSBC, cho biết: “Những thông tin này nhấn mạnh mối tương quan giữa những thách thức về tài chính và sức khỏe, cho thấy sự thiếu hụt trong lĩnh vực này có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực khác. Điều này càng cho thấy chúng ta cần có hướng tiếp cận tích hợp trong quản lý tài sản và sức khỏe, bởi cách chúng ta lập kế hoạch tài chính tương lai có ảnh hưởng lớn đến an sinh toàn diện của bản thân”.
Nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa việc lập kế hoạch tài chính tương lai với mức độ hài lòng trong cuộc sống. Dữ liệu cho thấy những người lồng ghép được nhiều nhu cầu và mục tiêu tài chính đa dạng trong kế hoạch có mức độ hài lòng với cuộc sống bình quân cao hơn 50%.