Kho bạc Nhà nước đảm bảo dòng chảy ngân sách không bị gián đoạn
Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Phương Anh

Nhanh chóng ổn định bộ máy

Theo Quyết định 385/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước (KBNN) được tổ chức theo mô hình 2 cấp từ trung ương đến địa phương và chính thức hoạt động theo mô hình mới từ ngày 15/3/2025.

Triển khai quyết định của Bộ Tài chính, KBNN đã khẩn trương và ban hành đầy đủ theo thẩm quyền các quyết định về tổ chức, bộ máy của các bộ phận cấu thành. Các quyết định này đã quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc cơ quan KBNN, các phòng tham mưu, giúp việc và các phòng giao dịch thuộc KBNN khu vực, số lượng các phòng, chỉ tiêu biên chế, danh sách công chức và người lao động...

Đồng thời, KBNN cũng đã khẩn trương và đồng bộ chuyển đổi các hoạt động quản trị nội ngành, các hoạt động nghiệp vụ và hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động theo mô hình mới.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương sắp xếp các đơn vị KBNN trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố thành 20 KBNN khu vực, nên tất cả các công chức tại các đơn vị đã chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy mới. Đồng thời, các đơn vị KBNN đã xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai công tác bàn giao công việc, nhiệm vụ, tài sản, hồ sơ, tài liệu, đảm bảo các hoạt động thông suốt trước, trong và sau khi sáp nhập.

Đặc biệt, các đơn vị KBNN đã tập trung làm việc không kể ngày nghỉ để kịp thời rà soát số liệu phục vụ chuyển đổi hệ thống, đảm bảo hoạt động giao dịch không bị đứt gãy, phục vụ đầy đủ nhu cầu chi tiêu cho ngân sách các cấp, nhất là các dự án đầu tư công.

Vượt khó, không để nguồn ngân sách bị gián đoạn

Tại các KBNN khu vực, công tác chuẩn bị cho bộ máy mới hoạt động cũng diễn ra hết sức khẩn trương. Đáng chú ý, trong quá trình chuyển đổi hoạt động theo mô hình mới đã không tránh khỏi những khó khăn phát sinh, nhưng các đơn vị KBNN khu vực đã nhanh chóng khắc phục.

Tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình chuyển đổi

Theo thông tin từ KBNN, đến nay, công tác bàn giao, chuyển đổi trong hệ thống KBNN diễn ra thuận lợi, an toàn. Ngoài ra, KBNN đã chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống tiếp tục và thường xuyên cập nhật, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình bàn giao, chuyển đổi để kịp thời tháo gỡ, xử lý, không để ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống và giao dịch với khách hàng, đảm bảo hoạt động của hệ thống an toàn, liên tục và thông suốt.

Kho bạc Nhà nước khu vực XIX có địa bàn hoạt động tại 4 tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang), trụ sở chính tại Cần Thơ. Ông Lê Minh Công - Giám đốc KBNN khu vực XIX cho biết, do trong thời gian rất ngắn phải tập trung chuẩn bị toàn bộ cho công tác vận hành tổ chức bộ máy mới; thay đổi trụ sở làm việc; di chuyển bàn, ghế, phương tiện làm việc đến trụ sở mới; thực hiện bàn giao, lắp đặt đường truyền; chuyển đổi dữ liệu… cùng lúc đó phát sinh rất nhiều hồ sơ, chứng từ, công việc phải giải quyết hàng ngày, nên khối lượng công việc rất lớn. Theo đó, công chức, người lao động phải đi làm cả thứ Bảy và Chủ Nhật suốt nhiều tuần để hoàn tất các công việc.

Để đảm bảo bộ máy mới hoạt động ổn định từ ngày 15/3, Ban lãnh đạo KBNN khu vực XIX đã tiếp tục chỉ đạo sát sao hoạt động của đơn vị, đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo mô hình hoạt động mới; kịp thời đề xuất giải pháp đến lãnh đạo các cấp để được chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh đó, KBNN khu vực XIX đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của các địa phương; các cơ quan quản lý thu, hệ thống các ngân hàng thương mại và các cơ quan có liên quan tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, đảm bảo giao dịch thông suốt tại mọi thời điểm.

Với những giải pháp đã thực hiện, KBNN khu vực XIX đã thực hiện các hoạt động thu, chi ngân sách an toàn. Tính đến ngày 18/3, đơn vị đã thực hiện kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước 11.732 tỷ đồng và đã giải ngân 2.859 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Tương tự, KBNN khu vực XIV (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông) có trụ sở chính tại Gia Lai cũng đã khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo ổn định các hoạt động ngay từ ngày đầu theo mô hình mới. Ông Phạm Quang Bút - Giám đốc KBNN khu vực XIV cho biết, khối lượng công việc nhiều vì ảnh hưởng đến tất cả các chương trình ứng dụng như: Tabmis, thanh toán điện tử ngân hàng, dịch vụ công, phối hợp thu ngân sách… nhưng thời gian xử lý lại ngắn, nên có rất nhiều khó khăn trong công tác chuyển đổi số liệu, chuyển đổi hệ thống ứng dụng theo cơ cấu tổ chức mới. Hơn nữa, địa bàn của khu vực trải dài trên 4 tỉnh Tây Nguyên nên việc đi lại của cán bộ, công chức còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh xa như Đắk Nông phải di chuyển trên 300 km…

Tuy nhiên theo ông Bút, KBNN khu vực XIV hỗ trợ ổn định chỗ ăn, nghỉ bước đầu cho các công chức ở xa có nhu cầu về chỗ ở tại các KBNN huyện gần TP. Pleiku, có khoảng cách với chỗ làm việc trong phạm vi 15 - 20 km. Đồng thời, đơn vị đã sắp xếp chỗ làm việc đầy đủ, đáp ứng cho tất cả các lãnh đạo và công chức thuộc biên chế tại trụ sở. Theo đó, các lãnh đạo, công chức chỉ phải đem theo máy tính làm việc.

Còn đối với KBNN khu vực IV, Giám đốc Nguyễn Thái Hà cho biết, ngay khi nhận quyết định sáp nhập, lãnh đạo KBNN 4 tỉnh (Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình) đã luôn quan tâm, lắng nghe, chia sẻ để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của công chức, người lao động để thực hiện bố trí sắp xếp công việc công tâm, khách quan, minh bạch, đúng người, đúng việc.

Đặc biệt, với tổng số 5.113 đơn vị giao dịch, trong đó chi đầu tư 53 đơn vị, chi thường xuyên 5.060 đơn vị (tỉnh Hưng Yên 1.110 đơn vị; tỉnh Nam Định 1.527 đơn vị; tỉnh Ninh Bình 1.463 đơn vị; tỉnh Hà Nam 960 đơn vị) nên việc nhanh chóng ổn định bộ máy đã được KBNN khu vực IV ưu tiên hàng đầu.

Ông Hà cho biết, trong thời gian chuyển đổi, công chức các phòng và KBNN các huyện đã làm việc ngoài giờ hành chính và cả thứ Bảy, Chủ Nhật. Đồng thời, các đơn vị KBNN thuộc khu vực IV cũng khẩn trương bàn giao đầy đủ các nhiệm vụ, hồ sơ, tài liệu, đảm bảo an toàn tiền và tài sản Nhà nước giao quản lý, không bỏ sót công việc và không để ảnh hưởng đến hoạt động chung của KBNN.

Định hướng hoạt động của Kho bạc Nhà nước 2 cấp

Với mô hình hoạt động mới, KBNN đã đưa ra định hướng hoạt động trong thời gian tới. Theo đó, KBNN sẽ bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và trên cơ sở kết quả từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, để xác định 2 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác.

Cụ thể, tiếp tục hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ và quản trị hệ thống, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, với mục tiêu là đến năm 2030 hình thành Kho bạc số; nghiên cứu, rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng đẩy mạnh công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.