“Khoan thư sức dân” mà vẫn đảm bảo cân đối ngân sách

Nỗ lực đảm bảo đủ nguồn chi cho phòng, chống dịch

PV: Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra, ngành Tài chính trong thời gian qua đã đảm bảo giữ vững các cân đối tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), cũng như đảm bảo nguồn chi cho công tác chống dịch Covid-19. Ông nhận định như thế nào về những nỗ lực này của Bộ Tài chính?

TS. Lê Duy Bình: Dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua đã cho thấy những tác động nguy hại rất lớn của nó tới kinh tế - xã hội, đặc biệt là về phương diện phát triển kinh tế, thực hiện cân đối thu - chi NSNN. Hàng năm, Quốc hội quyết định dự toán thu NSNN của năm sau luôn dựa trên rất nhiều chỉ tiêu, trong đó có tiêu chí quan trọng đó là mức tăng trưởng GDP. Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bộ Tài chính do vậy ở vào “thế khó” trong điều hành, khi vừa phải phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN, vừa lo các khoản chi cho công tác chống dịch và hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

“Khoan thư sức dân” mà vẫn đảm bảo cân đối ngân sách
TS. Lê Duy Bình

Đến thời điểm này, theo thông tin từ Bộ Tài chính, thu NSNN 9 tháng năm 2021 đã đạt 80,75% dự toán. Thu nội địa từ thuế và phí; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu các tháng 8 và 9 dù có xu hướng giảm, song nhìn chung vẫn cơ bản đạt tiến độ dự toán. Như vậy, ngành Tài chính về cơ bản vẫn đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.

Chính phủ đã chủ trương đảm bảo mọi nguồn lực để chi cho công tác phòng, chống dịch, cũng như các giải pháp về tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Tài chính đã thực hiện miễn, giảm, giãn hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất. Số thực hiện miễn, giảm trong thời gian qua đã lên đến hơn 29 nghìn tỷ đồng và khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng nữa trong thời gian sắp tới theo Nghị quyết số 406 của Quốc hội. Các biện pháp nhằm tăng chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân cũng được tích cực thực hiện.

Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ liên quan đến điều hành chính sách tài chính - NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động trong điều hành, để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ chi trong dự toán, chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh và chi an sinh xã hội. Bên cạnh đó, việc thực hiện các nhiệm vụ thu cũng rất quan trọng để có nguồn chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Cần giảm hơn nữa chi thường xuyên, tăng chi an sinh xã hội, chống dịch

PV: Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 hết sức nghiêm trọng, đi kèm theo đó là nhu cầu chi chống dịch rất lớn nên Chính phủ đã chủ trương thực hành tiết kiệm, căn cơ hơn nữa trong chi tiêu. Triệt để tiết kiệm chi tiêu công là vấn đề không mới, nhưng vẫn được nhắc đến nhiều thời gian qua, vậy quan điểm của ông về vấn đề này ra sao, thưa ông?

TS. Lê Duy Bình: Bất cứ người dân nào cũng đều quan tâm đến “túi tiền” quốc gia cũng như việc chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả, không gây lãng phí ngân sách. Pháp luật cũng đã có quy định rõ và có chế tài cụ thể liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng có đơn vị sử dụng ngân sách chưa thực hiện nghiêm quy định, còn lãng phí trong chi tiêu công.

Trong điều hành của Chính phủ thời gian qua cho thấy, vẫn cần thiết phải tiết kiệm, căn cơ hơn nữa trong chi tiêu công. Chính phủ yêu cầu các cấp ngân sách phải triệt để tiết kiệm trong chi NSNN, các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ đó, có thêm nguồn lực để thực hiện chính sách tài khóa nhân văn, kịp thời nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lúc họ cần đến nhất, để doanh nghiệp có thêm cơ hội trở lại tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Cởi trói” về cơ chế

“Về lâu dài, nếu chỉ giảm thuế, phí nhưng không tập trung cho việc hỗ trợ, vực dậy doanh nghiệp, các gói hỗ trợ kéo dài sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách, dư địa hạn hẹp nên chúng ta không thể hỗ trợ lâu được. Thực tế đã cho thấy rằng, bên cạnh việc giảm thuế, giãn thuế, khoanh nợ cho doanh nghiệp, thì điều quan trọng nhất là cần rà soát các chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực sự “cởi trói” nhằm kích thích doanh nghiệp phát triển” – TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh.

Trước đây có ý kiến băn khoăn khi cho rằng, đã tiết kiệm rồi, liệu có thể còn tiết kiệm được nữa hay không. Thời gian qua, dưới sự điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, việc tiếp tục tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng từ cắt giảm dự toán, hay cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác… đã trả lời cho băn khoăn này. Nhờ đó, chúng ta đã có nguồn để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng chi đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.

Tôi cho rằng, đã làm tốt rồi, thì cần phải làm tốt hơn, cần giảm hơn nữa chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển bằng các biện pháp như tinh giản bộ máy, nâng cao năng lực, đẩy mạnh tự chủ tài chính, hoàn thiện đề án vị trí việc làm... Đồng thời, phải thực hiện nghiêm ngặt hơn nữa các quy định như bộ, ngành, địa phương khi thực hiện dự toán, giảm thu thì phải giảm chi tương ứng, chỉ tăng chi cho an sinh xã hội, chi phòng, chống dịch Covid-19, thiên tai bão lũ.

Có giải pháp, lên kịch bản cụ thể để tránh bị động

PV: Có nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm như ông vừa chia sẻ, nghĩa là cân đối ngân sách hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn. Dù có thể trong năm nay, chúng ta vẫn giữ vững được ổn định vĩ mô và bội chi dự báo vẫn trong kế hoạch là dưới 4%. Tuy nhiên, theo ông liệu có còn nhiều không những thách thức trong điều hành chính sách tài khóa?

TS. Lê Duy Bình: “Khoan thư sức dân” mà vẫn đảm bảo cân đối ngân sách, làm được điều đó nghĩa là Chính phủ, Bộ Tài chính đã phải rất nỗ lực trong điều hành. Các đề xuất về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí sẽ khiến ngân sách bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã chủ động lên phương án các kịch bản về điều hành chính sách tài chính trình Chính phủ. Trong đó, kết hợp các giải pháp điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, với chính sách tiền tệ hợp lý, chắc chắn cân đối ngân sách sẽ đảm bảo, bội chi ngân sách giữ được mức Quốc hội quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ cần phải sớm nghiên cứu và tham mưu về sự cần thiết, tác động và hiệu quả của các đề xuất về các gói kích thích kinh tế, nâng trần nợ công, tăng vay nợ hay quy mô, phương thức thực hiện và liều lượng của những đề xuất giải pháp đó nếu như nó thực sự cần thiết.

Tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn rất khó dự đoán, nếu dịch bệnh phức tạp, nhu cầu chi cho phòng, chống dịch sẽ tiếp tục căng thẳng, ảnh hưởng trực tiếp tới cân đối NSNN. Có ý kiến cho rằng, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó kiểm soát, thì liệu có phải điều chỉnh lại dự toán của năm nay hay không, đây cũng là điều cần phải tính đến. Bởi chỉ có việc kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện tốt các giải pháp quản lý thu NSNN, thì mới không gây áp lực lên cân đối ngân sách và không phải điều chỉnh các chỉ tiêu về tài chính - NSNN.

Ngoài những thách thức trước mắt, việc cân đối nguồn vốn để thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn hay các biện pháp nhằm nâng tỷ trọng đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách cũng là những thách thức rất cần các giải pháp hiệu quả từ Bộ Tài chính.

Đây là một số vấn đề trong ngắn hạn hay trung hạn mà Chính phủ, Bộ Tài chính phải tính đến công tác điều hành chính sách tài khóa trong thời gian tới. Với từng vấn đề hay nhóm vấn đề, cần kèm theo đó là các kịch bản để tránh bị động trong điều hành.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chi chống dịch phải hiệu quả, đúng đối tượng

“Để có thêm nguồn chi cho phòng, chống dịch, chi cho an sinh xã hội trong thời điểm này, cần tiếp tục huy động thêm các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, giảm áp lực cho cân đối ngân sách nhà nước. Cần nhấn mạnh rằng chúng ta phải sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực chi chống dịch. Trong bối cảnh còn khó khăn như hiện nay, dịch bệnh có thể còn kéo dài, thì càng phải thực hiện tiết kiệm, hiệu quả trong chi tiêu, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí là vô cùng quan trọng. Nguồn lực tài chính sẽ phát huy tác dụng cao nhất khi được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng thời điểm”.

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam