sang kien

Các chuyên gia chia sẻ thông tin xung quanh vấn đề bạo lực trẻ em tại lễ khởi động.

Sáng kiến được triển khai trong 5 năm (2017 – 2022) tập trung vào vấn đề bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học. Đây là hai môi trường có sự ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển toàn diện và quá trình hình thành nhân cách của trẻ em.

Mục đích của sáng kiến nhằm thúc đẩy việc xây dựng và thực thi tốt luật pháp và chính sách liên quan. Đồng thời, góp phần thay đổi nhận thức của mọi thành phần xã hội từ đó thôi thúc từng cá nhân hành động để chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học.

Trong 5 năm tới, World Vision sẽ cùng với các đối tác, các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ Việt Nam hỗ trợ lẫn nhau phát huy tối đa điểm mạnh của mỗi bên trong việc thực hiện sáng kiến này. Từ đó tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về bảo vệ trẻ em và trẻ vị thành niên khỏi hình thức bạo lực.

Cũng theo một nghiên cứu năm 2016 của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho thấy có 17% trẻ em bị cha mẹ trừng phạt khi mắc lỗi, trong học đường có 26,3% học sinh bị thầy cô trừng phạt bằng các hình thức bạo lực thân thể.

Bạo lực trẻ em là vấn đề hết sức nghiêm trọng, gây tổn thất cả vật chất lẫn tinh thần cho chính gia đình và xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tổn thất chi phí do bạo lực trẻ em gây nên.

Bàn về vấn đề này, PGS TS Trần Thu Hương, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho rằng, việc trẻ em bị bạo lực gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt có thể để lại những sự lệch lạc trong nhân cách của trẻ em và làm thay đổi cả cuộc đời của trẻ. Những trẻ em bị bạo lực nhiều ở gia đình thường có xu hướng gây ra bạo lực ở môi trường xã hội. Do đó, việc phòng chống bạo lực trẻ em ở gia đình cũng sẽ giúp cho phòng chống tốt bạo lực học đường.

Hơn hết, cần thay đổi nhận thức trong xã hội, đặc biệt là nhận thức của cha mẹ đối với con cái để dạy con trong sự yêu thương và không có đòn roi.

Hưởng ứng sáng kiến này, ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, trong thời gian tới ngành sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp hướng tới phương pháp giáo dục tích cực, hiện đại trong nhà trường để giảm những bức xúc của học sinh.

Cũng theo ông Bá, Bộ GD&ĐT cũng đang thực hiện chương trình văn hóa học đường, theo đó các trường sẽ phải xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa một cách quyết liệt. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án ứng xử văn hóa trong trường học, hiện đã trình Thủ tướng xem xét ban hành, dự kiến đầu năm 2018 sẽ triển khai trong hệ thống các nhà trường./.

Tin và ảnh: Mai Đan