Tư duy mới cho thị trường vốn
Theo ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để huy động được nguồn vốn quy mô lớn phục vụ cho các mục tiêu phát triển hạ tầng, hiện đại hóa nền kinh tế theo định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước, điều đầu tiên cần thay đổi chính là tư duy quản lý.
“Việc cải cách phải bắt đầu từ nhận thức – tức là từ ‘mindset’ của cơ quan quản lý, rồi lan tỏa đến thị trường. Khi tư duy thay đổi thì mới có thể dẫn đến điều chỉnh hệ thống chính sách, công cụ và các quy định liên quan một cách thực chất” – ông Hải nhấn mạnh.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Trong bối cảnh đó, lĩnh vực quỹ đầu tư đang được xem là một cấu phần quan trọng để dẫn dắt dòng vốn trung và dài hạn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện đang hoàn tất đề án cơ cấu lại hoạt động đầu tư và phát triển ngành quỹ. Ngay từ giai đoạn dự thảo, đề án đã thu hút sự tham gia đóng góp trực tiếp của các công ty quản lý quỹ lớn và hiện đang trong quá trình hoàn thiện để trình Bộ Tài chính trong thời gian tới. Theo ông Hải, đề án này không chỉ định hình lại định hướng phát triển cho ngành quỹ, mà còn đề xuất một hệ thống giải pháp đồng bộ từ khung chính sách, cơ chế vận hành đến truyền thông, đào tạo, phát triển sản phẩm và phân phối.
Một trong những nội dung trọng tâm của đề án là thay đổi nhận thức và hành vi đầu tư của nhà đầu tư cá nhân - lực lượng ngày càng giữ vai trò chủ đạo trên thị trường. Theo đó, cần xây dựng các chương trình đào tạo tài chính cho công chúng, giúp dịch chuyển từ tư duy đầu cơ ngắn hạn sang chiến lược đầu tư dài hạn, bài bản và bền vững hơn.
“Ở nhiều quốc gia, giáo dục tài chính đã trở thành một chiến lược cấp quốc gia, chứ không chỉ là sáng kiến ngành hay một chương trình tuyên truyền đơn lẻ” - ông Hải nói thêm.
Khơi thông vốn từ nhận thức
Tiếp nối góc nhìn đó, bà Trịnh Quỳnh Giao - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ PVI (PVIAM) cho rằng, thách thức lớn hiện nay không nằm ở việc thiếu vốn trong dân, mà là ở khả năng khơi thông dòng vốn này vào hệ thống tài chính, từ đó chảy đến doanh nghiệp một cách hiệu quả. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cho thấy lượng tiền gửi của người dân đã lên tới 7,6 triệu tỷ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam cũng thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm dân cư cao trong khu vực. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp tiếp cận phù hợp, dòng tiền này sẽ tiếp tục nằm yên trong ngân hàng thay vì được đầu tư vào nền kinh tế thực.
![]() |
Ảnh minh hoạ. |
Theo bà Giao, giải pháp dài hạn và bền vững nhất vẫn là giáo dục tài chính. Việc này cần bắt đầu từ cấp phổ thông, đồng thời mở rộng tới cộng đồng nhà đầu tư cá nhân thông qua các hình thức linh hoạt như hội thảo, talkshow và nền tảng số. Hiện PVIAM cùng một số tổ chức đầu tư như Dragon Capital đang triển khai các chương trình giáo dục tài chính cơ bản cho nhóm tuổi 15–19, với hướng dẫn đầu tư định kỳ chỉ từ 100.000–200.000 đồng/tháng.
“Mục tiêu là hình thành thói quen tích lũy và đầu tư từ sớm, giúp người trẻ có nền tảng tài chính tốt hơn trong tương lai. Khi nhận thức tài chính cá nhân được nâng cao, dòng vốn nhàn rỗi sẽ có xu hướng dịch chuyển vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, qua đó tạo ra cơ chế điều tiết vốn hiệu quả hơn cho doanh nghiệp và thị trường” - bà Giao nhận định.
Tuy vậy, bà Giao cũng nhấn mạnh rằng để khơi thông thành công dòng vốn nội, không thể thiếu vai trò của kênh phân phối. Thực tế hiện nay cho thấy sự phối hợp giữa ngân hàng và công ty chứng khoán còn rời rạc và thiếu quy chuẩn thống nhất. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, nhân viên ngân hàng với tư cách là tuyến tiếp cận đầu tiên với nhà đầu tư cá nhân, bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề mới được tư vấn sản phẩm chứng khoán.
“Việc tư vấn sai lệch, không phù hợp với khẩu vị rủi ro hoặc khả năng tài chính của khách hàng có thể dẫn đến chế tài nghiêm khắc, bao gồm cả việc thu hồi giấy phép hành nghề. Thực tiễn từ khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 cho thấy, việc phân phối sản phẩm đầu tư qua hệ thống ngân hàng mà thiếu kiểm soát, đào tạo và quy trình tư vấn minh bạch là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bất ổn” - bà Giao đánh giá.
Từ bài học đó, chuyên gia từ PVIAM đề xuất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý chuyên trách trong việc xây dựng bộ quy chuẩn chung cho hoạt động tư vấn và phân phối sản phẩm đầu tư. Khi các tổ chức trung gian được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, dòng vốn trong dân mới thực sự được dẫn dắt hiệu quả và đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.