Đại biểu chất vấn về quyên góp từ thiện, ba Bộ trưởng tham gia trả lời
Đại biểu Quốc hội chất vấn tình trạng loạn giá xét nghiệm Covid-19

Không đợi nhà xuất bản mà giám sát từ khâu thực hiện

Các đại biểu nêu ra tình trạng sai sót trong sách giáo khoa và đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời rõ, đồng thời yêu cầu các Hội đồng biên soạn rà soát và có giải pháp cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế hỏi, bộ sách khoa học tự nhiên, tiếng Việt của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có một số điểm thiếu tính khoa học và giáo dục. Trong đó, môn học tích hợp trong chương trình sách giáo khoa mới đang nảy sinh tình trạng một môn học có ba giáo viên được lên lớp, do chuyên môn giáo viên khác nhau.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, khi có các ý kiến về sách giáo khoa, hội đồng chuyên môn đã trao đổi với các đơn vị, kịp thời điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi đến tay học sinh. "Về lâu dài Bộ đang điều chỉnh về quy trình, điều kiện để đảm bảo sách giáo khoa có chất lượng ngày càng cao hơn", ông Sơn nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Không vì viên “sạn” mà nghi ngờ cả một chủ trương về sách giáo khoa. Ảnh: QH.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: QH.

Về dạy học tích hợp, Bộ trưởng nói việc này đang thực hiện ở lớp 6. Bộ đã hướng dẫn các nhà trường sắp xếp sao cho ba giáo viên của các phân môn khác nhau dạy học theo logic nội dung. "Đơn vị nào sắp xếp theo đúng nội dung chương trình thì triển khai thuận lợi. Đơn vị nào sắp xếp cả ba giáo viên dạy song song thì có phần lúng túng. Quá trình triển khai bộ có tập huấn cho các đơn vị. Chúng tôi tiếp tục tăng cường triển khai các môn tích hợp trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Trả lời về giải pháp của ngành để nâng cao chất lượng sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, để có được bộ sách thực sự chất lượng cần rất nhiều yếu tố, trong đó, vai trò người soạn đặc biệt quan trọng, tiếp đến là quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, dạy, lấy ý kiến…

“Chúng tôi làm ráo riết thời gian qua là sửa đổi thông tư liên quan đến quy trình biên soạn sách giáo khoa. Chủ trương của chúng tôi là không đợi nhà xuất bản mang bản mẫu đến mà sẽ giám sát, đồng hành với các nhóm tác giả ngay từ đầu, không phó thác cho các nhà xuất bản và nhóm tác giả. Chúng tôi nâng cao tiêu chuẩn của các thầy cô, tác giả tham gia soạn sách. Chúng ta nói nhiều đến sỏi và sạn trong các bộ sách giáo khoa, nhưng đó là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, nhà khoa học, thì ít ai nói đến, liệu có công bằng không”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Theo người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù xã hội hóa nhưng cần giám sát toàn bộ quá trình và có sự đồng hành của nhà quản lý chứ không phó thác cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả. Bộ cũng nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn của các thầy cô, nhà khoa học tham gia biên soạn sách. Người biên soạn không được tham gia hội đồng thẩm định. Để gia tăng trách nhiệm, những người tham gia hội đồng thẩm định sẽ được ghi tên vào sách giáo khoa, cùng chịu trách nhiệm.

Góc khuất của học trực tuyến đáng lo hơn

Với lối nói chậm rãi và giải đáp trách nhiệm đối với các chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhắc đến những góc khuất của việc học trực tuyến, hơn là những bất cập thiếu thiết bị dạy và học đang được nhắc đến nhiều hiện nay.

Có đại biểu cho biết hơn 1,5 triệu học sinh đang thiếu thiết bị học trực tuyến, người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo đính chính “có tới 1.867.000 học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập, có điện thoại cho các cháu học cũng là tốt rồi. Số các cháu không có thiết bị trong tay, một phần các cháu đang dần dần bỏ học, là cấp bách hơn đánh giá các cháu học được gì”.

Theo Bộ trưởng, việc duy trì học trực tuyến ở một số nơi là “để duy trì cho các cháu có cảm giác học tập, duy trì được phần nào thì tốt phần đó”. Tuy nhiên, hơn 20 tỉnh học trực tiếp, thì các vùng chia cắt, vùng núi khó khăn tại khu vực phía Bắc lại đang học trực tiếp.

Đánh giá học trực tuyến ra sao, Bộ trưởng cho biết, Bộ theo dõi thường xuyên hàng ngày, diễn biến các đơn vị, giáo viên tương tác ra sao, khó khăn như thế nào. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ trang bị 140 nghìn thiết bị học tập cho các địa phương. Tháng 11 này trên 50 nghìn máy tính sẽ chuyển tới một số địa phương. Tuy nhiên, để đánh giá đầy đủ học trực tuyến, khi các cháu quay trở lại trường mới có đánh giá đầy đủ. “Không thể nói học trực tuyến như học trực tiếp được, vì học trực tuyến hết sức khó khăn”, Bộ trưởng nói.

Trong nội dung Bộ trưởng trả lời chất vấn, việc cần có giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng dạy và học theo hình thức đọc chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm và cũng là mối quan tâm của dư luận bấy lâu nay.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, tầm quan trọng trong việc hình thành nhân cách, tâm hồn cho học sinh qua việc giảng dạy môn ngữ Văn. Do đó, việc dạy môn ngữ Văn theo hình thức đọc, chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại. Bộ đã có chương trình để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng này./.

Lãnh đạo Bộ phải có trách nhiệm khi sách giáo khoa có “sạn”

Bấm nút tranh luận về những bài học thiếu tính khoa học, thiếu tính giáo dục trong sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, "phần trả lời của Bộ trưởng chưa thuyết phục".

Theo nữ đại biểu, sách giáo khoa sai thì học sinh đã mua, đã học. Nên dư luận đang trông chờ sự giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch của Bộ. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Bộ cần có sự trả lời trước công luận càng sớm càng tốt. Tập thể tác giả và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục.