PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán Việt Nam trong những phiên giao dịch đầu tháng 11 liên tiếp hồi phục mạnh sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ trung tuần tháng 3, liệu thị trường đã xác nhận tín hiệu tạo đáy hay còn chờ những tín hiệu nào khác?

Chứng khoán vẫn là kênh được nhà đầu tư lựa chọn khi lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp.

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm?
Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh: Trong những phiên giao dịch vừa qua chỉ số VN-Index đã tăng tương đối tích cực và chỉ số đã xác nhận vượt qua ngưỡng 1.085 điểm. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường cũng có dấu hiệu tích cực hơn, đặc biệt thanh khoản trong phiên giao dịch ngày 2/11 đã vượt mức thanh khoản trung bình 20 phiên gần nhất. Điều này cho thấy đây là phiên “bùng nổ theo đà” và cũng xác nhận xu hướng tăng trong ngắn hạn. Những phiên tăng điểm như vậy cũng góp phần giải tỏa bớt áp lực giảm trong thời gian vừa qua.

PV: Với những tín hiệu tích cực như vậy theo ông đây có phải là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu tốt để giải ngân?

Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi cho rằng, khi có một phiên đã xác nhận xu hướng tăng đồng nghĩa với việc vùng đáy ngắn hạn đã xác lập thì đây cũng là thời điểm các nhà đầu tư có thể cân nhắc bắt đầu giải ngân. Trong đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc một số nhóm ngành cơ bản, nền tảng đặc biệt là nhóm bất động sản bởi định giá đã ở mức hấp dẫn và cũng đã quay về mức đáy của năm 2020.

PV: Xét về mặt dòng tiền, thời gian qua dòng tiền trên thị trường chứng khoán vẫn duy trì ở mức tương đối thấp, điều này có phải là do dòng tiền lớn chưa nhập cuộc và ông dự báo như thế nào về động thái của nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới?

Ông Nguyễn Thế Minh: Về dòng tiền trong nước, tôi cho rằng chứng khoán vẫn là kênh được nhà đầu tư lựa chọn khi lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp. Chúng ta đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, khả năng cao lãi suất vẫn ở mức thấp do đó dòng tiền vẫn tìm đến những kênh rủi ro cao như cổ phiếu trái phiếu, hoặc đầu tư bất động sản khi thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi. Trước mắt tôi cho rằng dòng tiền vẫn đang chờ cơ hội để vào kênh chứng khoán.

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm?
Chứng khoán vẫn là kênh được nhà đầu tư lựa chọn. Ảnh: T.L

Còn nói về dòng tiền lớn, ở giai đoạn hiện tại thị trường vẫn đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro. Thứ nhất, rủi ro đến từ chiến sự Israel, thứ hai rủi ro về việc FED có thêm một đợt tăng lãi suất trong thời gian tới, do đó trong ngắn hạn có khả năng dòng tiền lớn vẫn chưa nhập cuộc.

Tuy nhiên, nếu những rủi ro này giảm bớt trong thời gian tới thì dòng tiền lớn mới bắt đầu nhập cuộc dần. Dòng tiền lớn bao giờ cũng tham gia với chu kỳ dài chứ không phải tham gia trong một thời gian ngắn rồi rút ra. Tôi cho rằng, giai đoạn hiện nay chưa phải là giai đoạn thích hợp để dòng tiền lớn trở lại thị trường.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, tôi dự báo khuynh hướng của họ vẫn là mua ròng bởi những yếu tố tích cực như sự ấm dần của nền kinh tế, khi kinh tế ấm trở lại họ sẽ ưu tiên những kênh rủi ro chứ không còn đẩy vào những kênh an toàn nữa.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được xem xét nâng hạng, một số tiêu chí về mặt định lượng đã đáp ứng. Bên cạnh đó, cuối năm hoặc đầu năm sau hệ thống KRX sẽ được đưa vào vận hành, cùng với những hành động tích cực hơn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính về việc cải thiện tiêu chí về nâng hạng. Do đó, tôi dự báo vào đầu năm sau nhà đầu tư nước ngoài sẽ gia nhập mạnh để đón con sóng nâng hạng thị trường.

PV: Dự báo của ông về diễn biến thị trường trong giai đoạn từ nay tới cuối năm?

Ông Nguyễn Thế Minh: Theo thống kê trong lịch sử tháng 11 là tháng tăng điểm tốt của thị trường nếu trong tháng 10 giảm điểm, thống kê của cả thị trường Mỹ và thị trường Việt Nam cho thấy thông thường tháng 10 giảm tháng 11 tăng điểm tốt.

Do vậy tôi cho rằng, tháng 11 có thể là tháng tăng điểm tốt của thị trường. Còn đối với tháng 12, tại cuộc họp hồi tháng 9 FED cũng nêu ra khả năng có thể tăng đợt lãi suất nữa trong năm 2023, trong tháng 12 có thể FED sẽ có động thái tăng lãi suất. Bên cạnh đó, rủi ro căng thẳng địa chính trị và đây cũng là rủi ro không thể dự đoán được.

Trong trường hợp căng thẳng địa chính trị còn kéo dài có thể ảnh hưởng đến thị trường và sẽ phản ánh vào thị trường trong tháng 12. Do đó, tôi cho rằng kịch bản thị trường sẽ đi ngang tích lũy nhưng tăng trong tháng 11 và giảm trong tháng 12.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch khá tích cực khi lực cầu bắt đáy xuất hiện trở lại giúp VN-Index hồi phục. Tuy nhiên, chỉ số chính lại khá giằng co khi tiến tới vùng kháng cự ngắn hạn quanh 1.080-1.085 điểm. Kết tuần 30/10-3/11, VN-Index đóng cửa tại 1.076,78 điểm, tăng 16,2 điểm, tương đương với 1,52% so với tuần trước.