“Nhức nhối” thực trạng buôn lậu
Tại tọa đàm, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá, việc triển khai Nghị quyết số 41/NQ-CP (ngày 9/6/2015) về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới đã phát huy tác dụng. Nhiều địa phương và cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức đấu tranh có hiệu quả và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu lớn.
“10 tháng của năm 2016, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 172.000 vụ việc, tăng 2% so với 2015, truy thu 13.000 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế theo định hướng thị trường, đảm bảo an ninh chính trị, sức khỏe cho người tiêu dùng…", ông Đàm Thanh Thế dẫn chứng.
Tuy nhiên, ông Đàm Thanh Thế cũng cho rằng, nạn buôn lậu là nguyên nhân chính làm giảm nguồn thu ngân sách và vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng, diễn ra cả đường bộ, đường biển và hàng không, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó kiểm soát, nhất là ở một số tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm.
Vi phạm tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong nước và ngoài nước, mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạnh như: thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử, thực phẩm chức năng…
Đề cập đến sức nóng trong công tác chống buôn lậu, Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho hay, đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi và liều lĩnh, trong đó có đối tượng buôn lậu thuốc lá. Hàng năm có hơn 1 triệu bao thuốc lá nhập lậu, gây thiệt hại tới 10 nghìn tỷ đồng, lực lượng chức năng bắt giữ khoảng 9 triệu bao, với 4.000 vụ, mặc dù đấu tranh quyết liệt nhưng thực tế còn rất phức tạp…, đặc biệt là địa bàn Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
"Các đối tượng buôn lậu còn chuẩn bị vũ khí, sẵn sàng tấn công trở lại đối với lực lượng chức năng để cướp hàng. Vụ việc một cán bộ quản lý thị trường tỉnh Long An đã hy sinh trong quá trình chặn bắt buôn lậu thuốc lá xảy ra vào tháng 9/2016 là cảnh báo…", Trung tướng Đồng Đại Lộc chia sẻ.
Trung tướng Đồng Đại Lộc cho hay, cuối tháng 11, ngành sẽ mở đợt tấn công tội phạm nói chung và đối tượng buôn lậu nói riêng. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, điều tra làm rõ các đối tượng phạm tội để tăng tính răn đe với tội phạm…
Tăng cường phối hợp liên ngành
Để công tác chống buôn lậu cuối năm, dịp trước trong và sau Tết đạt hiệu quả, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cùng đại diện cơ quan chức năng cùng cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của từng ngành cần có sự phối hợp giữa các ngành chặt chẽ.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng cho hay, với vai trò nòng cốt tại cửa khẩu, biên giới, lực lượng Bộ đội biên phòng sẽ triển khai đợt cao điểm từ nay đến Tết, phối hợp với lực lượng liên quan như hải quan quản lý chặt biên giới; giao trách nhiệm đến từng đồn biên phòng; huy động lực lượng dân quân tham gia phối hợp tuần tra; tăng cường công tác trinh sát, lập chuyên án trấn áp tội phạm vận chuyển hàng quốc cấm qua biên giới và đối tượng buôn lậu.
Chia sẻ quan điểm tăng cường hợp tác chống buôn lậu, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cũng cho rằng, với tinh thần đấu tranh kiên quyết, bền bỉ, ở biên giới có lực lượng Bộ đội biên phòng và hải quan, trong nội địa có lực lượng công an và quản lý thị trường đảm nhiệm, nếu có sự phối hợp chặt chẽ chắc chắn nạn buôn lậu sẽ được đẩy lùi.
“Từ nay đến cuối năm, dịp trước trong và sau Tết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tường cường công tác phối hợp, kiểm tra kiểm soát hoạt động buôn bán và lưu thông hàng hóa trên thị trường; kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu; phối hợp với cơ quan chức năng nắm bắt công tác bình ổn thị trường. Đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu và hàng hóa Việt Nam bị gian thương làm giả, làm nhái, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sức khỏe người tiêu dùng”, ông Nguyễn Trọng Tín khẳng định.
Kết luận tọa đàm, ông Đàm Thanh Thế cho biết, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã thành lập các đoàn khảo sát về công tác chống buôn lậu ở các địa phương, địa bàn trọng điểm và tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết; trong đó, tập trung đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu các mặt hàng pháo, công cụ hỗ trợ, hàng thiết yếu của người dân như thực phẩm, các mặt hàng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng.
"Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố quan tâm đến công tác bám sát địa bàn để tổ chức triển khai công tác chống buôn lậu; kiểm tra đánh giá công tác phát hiện, bắt giữ và xử lý vụ việc; kiên quyết phê bình và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tiếp tay, bao che cho buôn lậu…”, ông Đàm Thanh Thế nhấn mạnh./.
Ngọc Linh