Ảnh: admissions.johncabot.edu

Theo công ty nghiên cứu Capital Economics, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi châu Á bắt đầu tăng nhẹ trong tháng 5 và đang hồi phục dần dần trong toàn khu vực.

Một dấu hiệu tích cực là sự trở lại của dòng vốn nước ngoài. Trong tháng 7 này các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ 386,6 triệu USD vào thị trường cổ phiếu, một tín hiệu khả quan so với việc bán ròng 15 tỷ USD trong tháng 6.

“Các chỉ số GDP cho thấy, mặc dù tăng trưởng khu vực còn yếu nhưng có thể đã có một bước ngoặt ở tháng 5,” Gareth Leather, kinh tế gia khu vực thị trường mới nổi của Capital Economics cho biết.

Hàn Quốc hôm qua (25/7) công bố nền kinh tế nước này tăng trưởng 1,1% trong quý 2, mức tăng cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. So với năm ngoái, GDP nước này đã tăng 2,3%. Trước đó Singapore cũng thông báo tăng trưởng kinh tế quý 2 nước này tăng 15,2% so với quý trước, mức tăng theo quý cao nhất kể từ năm 2011.

Raymond Yeung, nhà kinh tế cao cấp của ANZ, cho biết kinh tế Hàn Quốc đã chạm đáy và triển vọng tăng trưởng sẽ còn cao hơn trong nửa cuối năm nay.

“Số liệu quý 2 là rất đáng khích lệ. Tiêu dùng trong nước đã có chyển biến, cho thấy nỗ lực của gói kích thích kinh tế của chính phủ và việc giảm lãi suất của ngân hàng trung ương trong tháng 5 đã bắt đầu có kết quả,” Yeung cho biết.

Nhằm vực dậy nền kinh tế đang trì trệ, ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã giảm lãi suất xuống còn 2,5% trong tháng 5. Trước đó, tháng 4 chính phủ nước này đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 4,7 tỷ USD.

Cục thống kê Nhật Bản hôm nay (26/7) cũng công bố, giá cả tiêu dùng nước trong tháng 6 của nước này tăng mạnh nhất kể từ năm 2008, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có thể bắt đầu thoát khỏi tình trạng giảm phát.

Số liệu GDP của những nước khác sẽ được công bố trong một vài tuần tới và Capital Economics kỳ vọng những điểm sáng khác trong khu vực.

“Nhìn chung, chúng tôi cho rằng, tăng trưởng sẽ tương đối cao ở khu vực Đông Nam Á trong khi ở những nơi khác có thể vẫn sẽ trì trệ,” Capital Economics cho biết.

Tăng trưởng bình quân quý I của các thị trường mới nổi bao gồm ở cả châu Á đã giảm xuống còn 4%, mức thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ở thập kỷ trước, tăng trưởng kinh tế trung bình ở các nước này dao động ở mức 6,4%.

Mai Hương (Theo CNBC/Bloomberg)