Điểm tựa từ thị trường lao động

Việc Cục Dự trữ liên Bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất trong hơn 1 năm qua (với 10 lần tăng liên tiếp, từ mức 0 - 0,25% hồi đầu năm 2022 lên mức 5 - 5,25% vào tháng 5/2023) nhằm kiểm soát lạm phát đã khiến nhiều nhà kinh tế cho rằng khả năng kinh tế Mỹ hạ cánh mềm là rất khó xảy ra. Lịch sử cho thấy, từ cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 chưa khi nào FED tăng lãi suất với tốc độ nhanh và mạnh như thời gian qua, điều này đều khiến kinh tế Mỹ dần rơi vào suy thoái, thị trường chứng khoán lao dốc.

Số liệu về thị trường lao động Mỹ vừa được công bố ngày 5/5/2023 bởi Cục Thống kê lao động Mỹ cho thấy, thị trường lao động nước này có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc, bất chấp đà tăng mạnh lãi suất của FED. Theo đó, trong tháng 4/2023, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đón nhận thêm 235 nghìn việc làm mới (tăng tới 42% so với tháng 3 và vượt xa so với kỳ vọng của các chuyên gia). Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm trở lại ở mức 3,4%, so với 3,5% hồi tháng 3 và giảm mạnh so với mức 3,7% hồi quý 3 năm 2022. Đây cũng là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Kinh tế Mỹ với kịch bản hạ cánh mềm
Kinh tế Mỹ với kịch bản hạ cánh mềm. Ảnh: TL

Số lượng cơ hội tuyển dụng đã giảm mạnh hơn so với dự kiến, từ mức 9,97 triệu trong tháng 2 xuống còn 9,59 triệu trong tháng 3. Đây là tháng giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ tiêu này và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021.

Tín hiệu tích cực từ thị trường việc làm khiến các chuyên gia tin rằng Mỹ có thể kiềm chế lạm phát mà không cần đến sa thải một số lượng người lao động. Gau Faucher, Kinh tế trưởng tại Tập đoàn Dịch vụ tài chính PNC cho rằng: “Khả năng phục hồi bền bỉ và tốc độ vừa phải hơn của thị trường lao động cũng giúp củng cố hy vọng rằng FED có thể giảm lạm phát mà không đẩy hàng triệu người Mỹ rơi vào tình trạng thất nghiệp và gây ra suy thoái kinh tế”.

Diễn biến trên của thị trường lao động mang lại sự lạc quan cho chính FED. Chủ tịch Jerome Powell cho biết: “Chưa từng có chuyện số cơ hội việc làm giảm mạnh như vậy và tỷ lệ thất nghiệp lại không tăng lên. Thế nhưng đó là những gì mà chúng ta đang thấy”. Trong khi đó, Heidi Schierholz, Chủ tịch Viện Chính sách kinh tế cho biết: “Hiện tại, chúng ta đang đứng ở giữa một cuộc hạ cánh mềm khi nền kinh tế có thể giảm tốc độ tăng lương và giảm lạm phát”. Chủ tịch FED chi nhánh St Louis, James Bullard cũng bày tỏ sự tin tưởng khi cho rằng, kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm, với lạm phát ở mức mục tiêu 2% mà không ra suy thoái đáng kể.

Chỉ số PMI khu vực sản xuất (Manufacturing PMI) và chỉ số PMI khu vực phi sản xuất (Non Manufacturing PMI) của Mỹ đều tăng trong tháng 4, thể hiện sự mở rộng của cả 2 khu vực này. PMI sản xuất tăng lên mức 50,2 điểm từ mức 49,2 điểm trong tháng 3, trong khi PMI khu vực phi sản xuất ghi nhận mức tăng từ 51,2 điểm lên mức 51,9 trong tháng 4.

Bên cạnh thị trường lao động, tín hiệu tích cực cũng đến từ một số chỉ tiêu vĩ mô khác. Lạm phát tháng 4 ghi nhận mức tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái (giảm so với mức 5% của tháng 3 và giảm so với kỳ vọng của thị trường – 5%). Đây đã là tháng giảm thứ 10 liên tiếp kể từ mức cao kỷ lục hồi tháng 6/2022. Điều này tạo cơ sở cho các dự báo về việc FED sẽ ngừng tăng lãi suất vào giai đoạn cuối năm. Sự thay đổi trong cách dùng từ của FED khi nói về lãi suất trong cuộc họp hồi tháng 5 tạo thêm niềm tin cho thị trường. Theo đó, cơ quan này đã thay từ “dự đoán” về lần thắt chặt tiếp theo bằng cụm từ “xem xét có cần thắt chặt hơn nữa không”.

Vẫn còn đó những thách thức

Các thách thức đối với kinh tế Mỹ đến từ cả bên trong và bên ngoài. Từ bên ngoài chính là ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine, căng thẳng chính trị toàn cầu, việc khu vực OPEC+ mới đây đưa ra cam kết cắt giảm lượng dầu cung ứng. Từ trong nước, lạm phát tuy đã giảm những còn vẫn khá xa so với mục tiêu 2% mà FED đưa ra, cuộc khủng hoảng khu vực ngân hàng hay cuộc chiến về trần nợ công là những yếu tố có thể khiến con tàu đi đến đích hạ cánh mềm của Mỹ bị chệch khỏi đường ray.

Kinh tế Mỹ với kịch bản hạ cánh mềm
Diễn biến trên của thị trường lao động mang lại sự lạc quan cho FED. Ảnh: TL

Cựu Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ Douglas Holtz-Eakin đánh giá rằng, những gì đã đạt được là chưa chủ để tin rằng FED sẽ ngừng tăng lãi suất. Ông cho biết: Vấn đề là tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao và gây ra rắc rối về mặt chính trị. FED muốn hạn tỷ lệ lạm phát xuống và rất có thể sẽ tăng lãi suất trở lại vào kỳ họp tháng 6 tới”. Trong khi đó, lo ngại về vấn đề tiền lương tiếp tục ảnh hưởng xấu đến lạm phát, Brian Coulton, Kinh tế trưởng tại Fitch Rating cho rằng “Áp lực về tiền lương đối với lạm phát đang trở nên dai dẳng. Và báo cáo việc làm này sẽ không thuyết phục được FED rằng họ đang thực sự kiểm soát được lạm phát”.

Vấn đề trần nợ công cũng đang là cơn gió ngược với nền kinh tế Mỹ. Với việc chạm ngưỡng giới hạn 31.400 tỷ USD hồi tháng 1, Bộ Tài chính nước này đã buộc phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của Chính phủ. Trong trường hợp không nâng được trần nợ công, Mỹ sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ và gây ra thiệt hại lớn cho kinh tế nước này.

Theo Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden, việc vỡ nợ dài hạn xảy ra sẽ có khoảng 8,3 triệu người mất việc làm, GDP sẽ giảm khoảng 6,1 điểm % và thị trường chứng khoán sẽ mất gần một nửa giá trị. Trong trường hợp vỡ nợ ngắn hạn cũng khiến nửa triệu việc làm bị mất đi và tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,3 điểm %. Thậm chí trong tình huống Mỹ không bị vỡ nợ cũng khoảng 200 nghìn người bị mất việc làm và GDP trong năm bị giảm 0,3 điểm %.