Mô hình hợp tác xã phù hợp với bối cảnh mới
Mặc dù chịu nhiều tác động bởi dịch Covid-19, nhưng khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) nhìn chung đã phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh sau 2 năm dịch bùng phát; góp phần ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ước tính đến thời điểm 31/12/2022, cả nước có 29.021 HTX, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp HTX. Các HTX thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn và 2,6 triệu lao động; tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/HTX; tổng giá trị tài sản đạt 187,75 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng/HTX.
Số lượng HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác thành lập mới và hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên tăng khá ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn. Điều đó cho thấy, mô hình kinh tế tập thể phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân, liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp.
Nguồn: Liên minh hợp tác xã Việt Nam. Đồ họa: Thế Dương |
Các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác tăng số lượng và giá trị các dịch vụ cung ứng cho thành viên, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, đóng góp tích cực cho xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Doanh thu của HTX tăng bình quân 5,6% so với năm 2021. Phần lớn HTX, liên hiệp HTX có lãi, tuy không cao do chi phí đầu vào tăng. Nhiều HTX nông nghiệp đạt doanh thu 350 - 400 triệu đồng/ha. Thu nhập của HTX phi nông nghiệp tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021.
Đánh giá mặt tích cực của KTTT, HTX, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từng nhận định, HTX là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp khoảng 4% GDP cả nước. Khu vực KTTT với nòng cốt là HTX còn đóng góp gián tiếp khoảng 7 triệu thành viên và tác động đến đời sống của hàng chục triệu người thuộc hộ gia đình thành viên.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao
Nghị quyết 20-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ quan điểm: "KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân".
Thời gian qua, khu vực KTTT nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khu vực KTTT đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu và mong muốn. Đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT còn nhiều khó khăn. Năng lực, nội lực của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Chính vì vậy, KTTT, HTX phải chủ động thay đổi để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược.
Theo các chuyên gia, khu vực KTTT, HTX muốn phát triển thì phải liên kết tốt với các thành phần kinh tế khác để hạn chế khó khăn và bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Đặc biệt, HTX có thể liên kết với nhau, sau đó liên kết với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp quốc doanh, thậm chí là doanh nghiệp nước ngoài để hình thành các chuỗi giá trị có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả. Muốn làm điều này, nhà nước cần đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ các thủ tục phiền hà, bãi bỏ các quy định không phù hợp cho phát triển KTTT, HTX.
Phấn đấu có ít nhất 3 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu Nghị quyết 20-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế công nhận. |
Đồng thời, cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong hỗ trợ về đất đai, vốn và tín dụng, hạ tầng, nguồn nhân lực và thị trường để xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, muốn tháo gỡ những điểm nghẽn về đất đai, cần tập trung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật, văn bản dưới luật liên quan...
Theo Liên minh HTX Việt Nam, căn cứ chủ trương của Đảng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 của Nhà nước, tình hình phát triển KTTT, HTX năm 2022 và dự báo các nhân tố ảnh hưởng, Liên minh HTX Việt Nam đề xuất mục tiêu đến năm 2023 phấn đấu, thành lập mới ít nhất 3.000 tổ hợp tác, 2.000 HTX, 20 liên hiệp HTX. Tổng số HTX hoạt động hiệu quả trên 60%, tỷ trọng HTX liên kết chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị đạt ít nhất 25% tổng số HTX. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX tăng từ 10% trở lên so với năm 2022.
Cùng với đó, hình thành KTTT, HTX phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, tăng về số lượng, quy mô, chất lượng; đa dạng về loại hình hợp tác trong các ngành, nghề, lĩnh vực; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chú trọng phát triển sản phẩm, chế biến sâu, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; thu hút ngày càng nhiều cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn nông thôn và thành thị tham gia HTX, tổ hợp tác; nâng cao thu nhập và đời sống của các thành viên.
* Ông Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương:
Tuyên truyền để xóa bỏ hoài nghi về hợp tác xã kiểu mới
Ông Lê Hải Bình |
Phát triển KTTT, HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thực tế trong những năm qua, phát triển KTTT, HTX luôn là chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng.
Thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm khắc phục định kiến về mô hình HTX kiểu cũ, hoài nghi về mô hình HTX kiểu mới, bác bỏ luận điệu xuyên tạc đòi xóa bỏ KTTT. Đồng thời, đề cao vai trò của cấp ủy chính quyền về KTTT, HTX, phát huy tinh thần tự chủ, tự giác về KTTT, tuyên truyền mô hình KTTT có hiệu quả; tuyên truyền vai trò hệ thống liên minh HTX Việt Nam từ trung ương đến địa phương… Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần hiệu quả, giúp quần chúng nhân dân hiểu được HTX là gì để tham gia phát triển HTX.q
* Ông Bùi Trường Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương:
Cần sửa đổi căn bản Luật Hợp tác xã năm 2012
Ông Bùi Trường Giang |
Thời gian tới cần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, thống nhất, nâng cao nhận thức, hình thành hệ thống lý luận nền tảng về “kinh tế tập thể”, “kinh tế hợp tác”, “HTX” trong thời kỳ mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực KTTT; hoàn thiện đồng bộ chính sách thúc đẩy, hỗ trợ, cơ chế huy động, bảo đảm các nguồn lực phát triển KTTT, kinh tế hợp tác, HTX.
Đặc biệt, chúng ta cần sửa đổi căn bản Luật HTX năm 2012, trong đó cần chú trọng: bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm những nguyên tắc, bản chất giá trị tốt đẹp của HTX; bảo đảm vừa định hướng, khuyến khích hoạt động khu vực HTX về đúng bản chất là phục vụ thành viên, phát triển thị trường nội bộ, vừa tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho HTX, liên hiệp HTX tham gia, mở rộng thị trường giống như doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, bảo đảm quyền tự do hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh bình đẳng của HTX...
* Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam:
Tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế tập thể
Ông Hồ Xuân Hùng |
Để khu vực KTTT phát triển đúng như kỳ vọng, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 đã đổi mới và cụ thể hóa một loạt chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên điều quan trọng là cần tạo môi trường thuận lợi để những chính sách, chủ trương này sớm triển khai trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương trước tiên cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm rõ những quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 20-NQ/TW. Cùng với đó, phải thể chế hóa các chính sách và trong quá trình này cần có sự vào cuộc đồng bộ, sâu sát của địa phương và các đoàn thể quần chúng. Nói chung KTTT chỉ thành công khi thực hiện đúng nguyên lý hợp tác tự nguyện cùng có lợi. Chúng ta phải tạo môi trường để KTTT hoạt động hiệu quả thì các chính sách mới đi vào hiện thực.
* Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):
Nhà nước cần hỗ trợ về vốn và sửa đổi quy định huy động vốn cho hợp tác xã
Ông Lê Đức Thịnh |
Việc hỗ trợ phát triển HTX nói chung và giúp cho HTX huy động được vốn, cũng như tiếp cận được tín dụng rất quan trọng. Nhằm hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn, Nhà nước cần hỗ trợ về vốn, tài sản cho HTX tham gia chuỗi để hình thành tài sản và thông qua tài sản này có thể đầu tư sản xuất, thế chấp khi vay vốn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần sửa đổi Thông tư 15/VBHN-NHNN quy định góp vốn tối thiểu của thành viên HTX; khuyến khích ngân hàng thương mại xây dựng chính sách tín dụng cho HTX.
Chúng tôi đề nghị Chính phủ giao NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định lại khung pháp lý cho việc huy động vốn. Cụ thể, giao NHNN hướng dẫn thông tư tín dụng nội bộ, sửa đổi các quy định về trách nhiệm góp vốn tối thiểu của thành viên HTX. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, chúng tôi sẽ tập trung đào tạo HTX về quản lý tài chính, tăng năng lực quản trị theo chuỗi giá trị và giúp chuyển đổi số để giúp cho các HTX minh bạch hơn trong công tác quản lý và các ngân hàng dựa vào đó quản trị dòng tiền vay được rõ hơn, tạo sự tin tưởng để cho HTX thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.