Trung tâm sản xuất nông sản, cây công nghiệp lớn của cả nước

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, có tổng diện tích đất nông nghiệp gần 5,5 triệu ha, chiếm khoảng 16% diện tích đất cả nước. Nơi đây được biết đến như một vùng đất huyền thoại, là nơi sinh sống của gần 6 triệu người, trong đó có 52 dân tộc thiểu số, với gần 2,2 triệu người. Một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng đất Tây Nguyên, ngày 18/1/2002, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI về thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287.000 tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; công nghiệp phát triển nhanh. Nông nghiệp trở thành vùng sản xuất nông sản, cây công nghiệp lớn, với nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước như: cà phê, cao su, tiêu, cây ăn quả...

Dây chuyền chế biến nông sản xuất khẩu của một doanh nghiệp ở Gia Lai. Ảnh: Sơn Nam
Dây chuyền chế biến nông sản xuất khẩu của một doanh nghiệp ở Gia Lai. Ảnh: Sơn Nam

Đến nay, hầu hết các địa phương trong vùng đã hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, tiềm năng có thể vô hạn, nhưng tài nguyên, bao gồm đất đai và nguồn nước, rừng và khoáng sản lại hữu hạn. Do đó, chỉ khi tích hợp đa tầng giá trị, tăng cường liên kết vùng mới kích hoạt trọn vẹn tiềm năng.

Tạo đà cho Tây Nguyên phát triển bền vững

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vùng Tây Nguyên hiện vẫn còn không ít khó khăn, thách thức lớn, như: phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại. Thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước. Phát triển kinh tế của vùng chưa bền vững, tăng trưởng kinh tế chậm lại; quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thấp nhất trong các vùng về kinh tế - xã hội.

Điều đáng quan tâm hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên chưa tự cân đối được ngân sách địa phương. GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt thấp, xếp thứ 5/6 vùng. Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức, liên kết nội vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hồ Phước Thành, là tỉnh có diện tích nông nghiệp lớn, Gia Lai chọn mục tiêu không phát triển chiều rộng mà phát triển chiều sâu, chế biến sâu các loại cây ăn quả có giá trị cao; phát triển các dự án chăn nuôi đại gia súc; phát triển hợp lý và khai thác có hiệu quả các dự án năng lượng tái tạo.

Tỉnh Đắk Lắk chọn mục tiêu, bên cạnh phát huy lợi thế, giữ vai trò là “thủ phủ” của Tây Nguyên, Đắk Lắk tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Đắk Lắk ưu tiên nguồn lực, chính sách, cơ chế… để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phát huy nội lực, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và thể hiện được vai trò chủ thể trong xây dựng nông mới.

Xác định rõ trách nhiệm của địa phương và các bộ, ngành

Đề cập đến Nghị quyết số 23-NQ/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc tổ chức triển khai thực hiện thật tốt nghị quyết của Bộ Chính trị là phải nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước; xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các ban, bộ, ngành trung ương; của các địa phương trong vùng để xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết theo đúng tinh thần "đúng vai, thuộc bài”.

Để phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới tỉnh Đắk Nông lựa chọn hướng phát triển phù hợp, theo đó, sẽ đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển các cây trồng có lợi thế; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, phát triển mạnh kinh tế tập thể và tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp.

Còn với tỉnh Lâm Đồng, chính quyền tỉnh tiếp tục chọn cho mình hướng phát triển trở thành “điểm sáng” trong vùng kinh tế trọng điểm, là khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn; tiếp tục phát huy vị thế là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích ứng dụng công nghệ cao và trở thành "điểm sáng" về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước…

Mới đây, việc Bộ Chính trị ban hành, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển vùng Tây Nguyên thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng; đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong vùng trong bối cảnh phát triển mới. Nghị quyết số 23-NQ/TW xác định Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Đây được xem như luồng gió mới, tiếp thêm động lực, tạo đà cho Tây Nguyên “cất cánh”. Nghị quyết mới này là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững trong vùng thời gian tới.